Mẹ vứt con mới sinh, bị xử lý ra sao?

Những ngày gần đây, nhiều thông tin về trẻ bị bỏ rơi khiến tôi cảm thấy xót xa.

Cụ thể, tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) ngày 8-6 người dân phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi dưới hố gas phía sau đền Mẫu. Cháu bé được phát hiện trong tình trạng kiệt sức sau hai ngày không ăn uống và phải chịu cái nắng 40 độ C.

Hay tại TP.HCM ngày 4-6 người dân phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở ven đường tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Bé cân nặng hơn 2,5 kg, sức khỏe yếu với tình trạng rốn chưađược cắt, đã bốc mùi hôi hoại tử và có dấu hiệu nhiễm trùng. Bé không có đồ đạc cá nhân cũng như thông tin liên hệ. 

Cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật, những người mẹ bỏ rơi con nhỏ như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?

Bạn đọc LÊ TƯ (TP.HCM)

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định nghiêm cấm hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Bên cạnh đó, Chương II của luật này cũng quy định rõ các quyền của trẻ em như quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc nuôi dưỡng.

Điều đó cho thấy pháp luật đã quy định rõ các quyền và các hành vi nghiêm cấm đối với trẻ em, bất cứ ai có các hành vi xâm phạm đến các quyền này đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về xử lý hành chính, khoản 1 Điều 22 Nghị định 144/2013 quy định rõ phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với cha, mẹ; người giám hộ có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong bảy ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Trường hợp người có hành vi dựng hiện trường giả vụ tự tử mà không nhằm mục đích như thủ đoạn phạm tội nhưng lại gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu, đường phố thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.