Quyền thừa kế đất hương hỏa của tổ tiên

Nhà chúng tôi và hai căn nhà khác đã được trưng dụng làm cơ sở cho phong trào tuyên truyền vận động toàn dân chống giặc ngoại xâm. Sau đó căn nhà bị Pháp đập phá, phóng hỏa đốt sạch. Sau ngày 30-4-1975, cha con chúng tôi trở về xin nhận lại mảnh đất hương hỏa của chúng tôi nhưng chính quyền thời đó không đồng ý giải quyết.

Cho tôi hỏi trường hợp của tôi có lấy lại được đất hương hỏa của gia đình không và luật quy định về trường hợp này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quý (TP.HCM)

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 tiếp tục khẳng định nguyên tắc này.

Ngoài ra, Điều 1 Nghị quyết 23/2003 quy định “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất”.

Tuy nhiên, Điều 3 Nghị quyết 23/2003 quy định “Những trường hợp chủ sở hữu có nhà, đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà, đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà, đất, nay thực sự có khó khăn về nhà ở thì Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để họ cải thiện chỗ ở”.

Vì thế, nếu hiện nay thực sự có khó khăn về nhà ở thì ông bà cần làm đơn để cơ quan có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện để ông bà cải thiện chỗ ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm