Vượt đèn vàng, tài xế bị xử phạt đến 5 triệu đồng

Vừa qua, tôi nghe nói Nhà nước đã ban hành nghị định mới về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nghị định này tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Vậy xin hỏi đối với hành vi vượt đèn vàng thì có được quy định xử phạt hay không? Nếu có thì mức phạt mới là như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Minh (ngocminh… @gmail.com)

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ, tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:

- Tín hiệu xanh là được đi;

- Tín hiệu đỏ là cấm đi;

- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Với quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông khi gặp đèn vàng buộc phải dừng lại trước vạch dừng. Do đó, hành vi vượt đèn vàng vẫn được xem là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và bị xử phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Nghị định 100/2019, có hiệu lực ngày 1-1-2020, thay thế Nghị định 46/2016 đã nâng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trên.

Điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019, quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trước đây, theo Nghị định 46/2016, hành vi này bị xử phạt 300.000-400.000 đồng.

Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền 3.000.000-5.000.000 đồng theo điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 100. Mức phạt trước đây tại Nghị định 46 với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là 1.200.000-2.000.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm