Trăm kiểu hành dân - Bài 2: Im lặng là vàng!

Trên số trước, chúng tôi nêu chuyện cơ quan chức năng đã “vẽ rắn thêm chân” trong lĩnh vực đất đai. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục với kiểu “hành” khác là cơ quan chức năng im lặng đến khó tin trước khiếu nại của công dân.

Mất quyền lợi vì chấp hành chủ trương!

Tháng 9-1993, Trường Tiểu học Lạc Long Quân (phường 7, TP Cà Mau) cho cô giáo Vũ Thị Huệ cất một căn nhà lá trong khuôn viên của trường làm nơi trú ngụ. Cô Huệ là một trong khoảng 20 gia đình giáo viên được trường cho cất nhà tạm kiểu này để có chỗ ở, an tâm công tác.

Đến tháng 6-2005, Ban Giám hiệu đề nghị cô Huệ và các thầy cô khác dời đi nơi khác để lấy đất xây trường mới. Các giáo viên khác khiếu nại, đòi bồi thường, hỗ trợ mới di dời. Riêng cô Huệ chấp hành tốt và cô bắt đầu nếm trải “đoạn trường” vì chuyện chấp hành tốt này!

Cô đi mượn một thửa đất khác để dựng nhà. “Khi đó tôi nghĩ Nhà nước công bằng, nếu mọi người được bồi thường thì tôi cũng được. Tôi đâu ngờ việc chấp hành chủ trương tốt của mình lại mất quyền lợi” - cô nói.

Trăm kiểu hành dân - Bài 2: Im lặng là vàng! ảnh 1

Được trực tiếp góp ý công chức, người dân sẽ hài lòng hơn khi làm thủ tục hành chính. Ảnh chụp tại UBND quận1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đầu năm 2006, cô Huệ phát hiện trong danh sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 23 hộ có nhà trong khuôn viên trường không có tên mình nên làm đơn đề nghị được xem xét. Đơn của cô được hiệu trưởng, công đoàn của trường xác nhận, đề nghị cấp trên xem xét giải quyết. Sau đó, cô gửi đơn đến UBND TP Cà Mau và Ban Bồi thường hỗ trợ tái định cư xây trường. Từ đây, cô bắt đầu hành trình đòi quyền lợi và gặp phải sự im lặng đáng sợ.

Sau khi gửi đơn nhưng không nhận hồi âm, cô tiếp tục làm đơn cứu xét.

Mới đây, ngày 17-2-2012, cô lại mang đơn đến gửi nơi phòng tiếp dân UBND TP Cà Mau. Chờ hơn một tháng không thấy phản hồi, con trai cô Huệ đến hỏi thăm thì được cho biết là đơn của cô đã bị thất lạc, đề nghị gia đình gửi lại. “Nghe con báo, tôi bật khóc. Phải mất hàng giờ mới lấy lại được bình tĩnh. Tôi định ăn vạ để gây sự chú ý nhưng con trai quyết liệt ngăn. Giờ tôi mới thấm: Người chấp hành tốt chủ trương của địa phương thì thiệt thòi, người dám chống đối thì được việc. Biết vậy, bảy năm trước tôi đã không chấp hành việc di dời” - cô nói.

Im lặng khó hiểu

“Tôi đến các cơ quan chức năng hàng trăm lần đều không nhận được một văn bản trả lời nào. Họ coi tôi như người ngoài Trái đất, không có trách nhiệm trả lời tôi. Một vài lần tôi còn bị cán bộ nạt nộ, thật quá tủi nhục!” - cô Huệ nói.

Chuyện gần giống như cô Huệ, ông Nguyễn Hùng Việt ở phường 8, TP Cà Mau cũng đã nhiều năm bức xúc vì sự im lặng khó hiểu của UBND TP Cà Mau.

Năm 2000, ông Việt được UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định cho nhận lại phần đất tranh chấp với một hộ dân ở phường 8, TP Cà Mau. Sau đó, người bị thu hồi đất khiếu nại khắp nơi. Sau 10 năm, tỉnh giải quyết dứt điểm khiếu nại là giữ nguyên quyết định trả đất cho ông Việt. Tuy nhiên, đến nay TP Cà Mau vẫn cứ im lặng dù phía UBND tỉnh đã có công văn nhắc nhở việc triển khai quyết định này.

Chúng tôi muốn biết việc giải quyết những trường hợp trên đến đâu nên sau ba lần gọi điện thoại xin gặp lãnh đạo bị từ chối do “lãnh đạo bận họp”, chúng tôi đến thẳng phòng ông Chung Tấn Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau. Ông Hải thừa nhận có biết hai việc nêu trên và hứa sẽ xem xét lại và sẽ có câu trả lời sau vài ngày. Ngày 18-4, liên lạc lại, qua điện thoại ông Hải cho biết: Đã chỉ đạo các bộ phận xem xét trả lời cho bà Huệ. Còn vấn đề của ông Việt, TP Cà Mau đang chỉ đạo tổ chức triển khai nhưng chưa rõ thời điểm nào.

Chúng tôi không nói đúng, sai trong việc khiếu nại của các đương sự nhưng vấn đề lớn hơn là việc giải quyết, trả lời đơn thư khiếu nại của công dân đã bị các “công bộc” vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa thấy lãnh đạo đề cập đến khía cạnh này.

Giấu thông tin… thả “cò”?

Tháng 6-2010, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu hồi đất của các hộ dân xã Khánh Bình Tây Bắc để làm thủy lợi, giá bồi thường là 70.000 đồng/m2 đất vườn. Hai tháng sau, anh vợ của cán bộ địa chính xã đánh tiếng với năm hộ dân vừa nhận tiền bồi thường là sẽ giúp họ nhận thêm tiền nhưng phải “cưa đôi”. Sau đó, có hộ không chịu “cưa đôi” nên phát sinh mâu thuẫn và người này tố cáo đến công an.

Thực ra, số tiền nhận thêm là do huyện điều chỉnh giá bồi thường từ 70.000 đồng lên 200.000/m2. Khi sự việc vỡ lở, anh vợ của cán bộ địa chính xã phủ nhận chuyện làm “cò”, còn bản thân vị cán bộ địa chính thì nói tỉnh bơ: “Có biết huyện điều chỉnh giá nhưng tôi nghĩ dân biết nên không thông báo và cũng không có ai hỏi tôi về việc này”!

Có mối liên quan nào giữa cán bộ địa chính xã với người anh vợ hành nghề bán ghe hàng về thông tin điều chỉnh giá bồi thường?

TRẦN VŨ

Kỳ tới: Xã “cương quyết” không xác nhận (Người dân xin giấy xác nhận để cấp số nhà nhưng phường cứ cù cưa cù nhầy, đòi những giấy tờ, khoản thuế không đúng. Bực mình, đương sự đòi lại hồ sơ, mang lên cấp trên…)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm