Tràn ngập game phản giáo dục

Trẻ hư đốn vì mê game

Thời nay, máy vi tính đã trở nên quá quen thuộc đối với trẻ con. Chỉ cần nhìn người lớn thao tác đôi ba lần, đứa cháu học lớp 2 của tôi đã có thể mày mò lên mạng để chơi game trực tuyến.
Tội phạm xảy ra vì game thủ muốn thử xem giết người trong đời thực có dễ như trong game hay không.

Trên trang tìm kiếm Google chẳng hạn, nếu nhập cụm từ “game online”, có hơn 480 triệu kết quả xổ ra với hàng loạt trang web cho phép người dùng được chơi game trên mạng với khối lượng game khổng lồ. Một trang web hùng hồn giới thiệu hơn 5.600 trò chơi với đủ loại từ game văn phòng, dàn trận, kinh doanh, bạn gái, trí tuệ... đến game bắn xe tăng, đấu võ. Nhiều trò chơi mang tính giải trí nhẹ nhàng nhưng cũng không hiếm trò chơi hết sức bạo lực và phản giáo dục.

Trong trò chơi “so găng trong quán”, những người bạn nhậu đánh lộn trong khi các bạn nhậu khác vừa uống rượu vừa hào hứng theo dõi cuộc tỉ thí. Người chơi có thể vác cả thùng rượu đập vào đầu đối thủ cho đến khi đối thủ hự lên một tiếng rồi lăn ra chết.

Bạo lực không kém là trò chơi “côn đồ xuống phố”. Tên côn đồ mặc đồ vét đen, đeo cà vạt đỏ và ôm trong tay một cái chày. Để thu đủ 1.330 đôla về cho ông chủ, tên côn đồ phải dùng chày đánh bất cứ người nào mà hắn gặp trên đường. Nếu đánh trúng, nạn nhân sẽ hét lên thất thanh và tiền trong người họ sẽ rơi ra. Nếu đánh trật, cái chày sẽ đập ngược vào đầu tên côn đồ. Nạn nhân của hắn gồm mọi đối tượng, từ thanh niên, ông già chống gậy, phụ nữ dắt chó đi dạo đến cậu bé bán báo.

Tràn ngập game phản giáo dục ảnh 1

Hiện nay có nhiều trẻ em bị lôi cuốn bởi game bạo lực. Ảnh: HTD

Ngoài ra, còn có đủ thứ game bạo lực như đấu kiếm, bắn súng... Kết quả thử nghiệm của một nhà nghiên cứu nước ngoài cho thấy game bạo lực kích thích sự hung bạo ở trẻ em. Khi không nhận thức được thế giới thật và ảo, trẻ em thường thực hiện những hành vi chúng vẫn làm trong game để đối phó với mọi việc xảy ra ngoài đời thật. Nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi game bạo lực rồi sinh tật cướp của, giết người.

Năm 2008, một thanh niên người Thái Lan đã cướp và giết người lái xe taxi bằng dao. Tên phạm tội đã thực hiện hành vi giết người y như trong một trò chơi mang tên Grand theft auto. Trả lời cơ quan điều tra, thủ phạm khai muốn thử xem cướp của và giết người trong đời thực có dễ như trong game hay không.

Ở nước ta, tình trạng thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các trò chơi bạo lực và thực hiện hành vi phạm tội không còn là chuyện hiếm. Được biết, Việt Nam là nước sử dụng Internet tương đối phổ biến. Thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam mới đây cho thấy có hơn 20 triệu người trong nước sử dụng Internet, chiếm hơn 24% dân số. Trong đó, số người sử dụng Internet chỉ nhằm giải trí chiếm tới 20%. Dự kiến số người chơi game online sẽ ngày càng tăng.

Với sự gia tăng ồ ạt này, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hoạt động của các điểm Internet theo hướng hạn chế số lượt khách hàng truy cập vào các trang web đen hoặc tham gia vào các trò chơi bạo lực. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên liên lạc để quản lý giờ giấc sinh hoạt của các em. Nhà trường nên tăng cường các tiết học ngoại khóa dành cho học sinh, tạo điều kiện cho các em được tham gia sinh hoạt cộng đồng với những trò chơi dân gian đầy ý nghĩa và giải trí lành mạnh.

Và trong khi chờ đợi cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát hoạt động của các trang web, có lẽ các bậc phụ huynh nên tự bảo vệ con em mình bằng cách để mắt nhìn ngó mỗi khi chúng ngồi bên máy vi tính.

GIA NGHI (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Nhiều học sinh “đốt” thời gian trong tiệm game

Con một người bạn tôi học lớp 6 và ngày nào nó cũng đi học rất đầy đủ và đúng giờ. Nó cũng không mấy khi về nhà trễ. Mãi tới khi cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại về nhà thông báo là cu Tý gần một tuần nay không thấy đến lớp học và cũng không có giấy xin phép nghỉ học, người bạn tôi mới ngã ngửa. Vặn hỏi mới biết nó theo bạn bè vào tiệm Internet chơi game đến mê mẩn và quên luôn việc đi học. Khi gặp cô giáo chủ nhiệm, bạn tôi còn được thông báo cu Tý hầu như tuần nào cũng nghỉ học ít nhất là vài buổi, hoặc có đi học rồi trốn về sớm.

Chuyện học sinh bỏ học để chơi game đang là một vấn nạn. Tại rất nhiều tiệm Internet quanh cổng trường, mặc dù đang trong giờ học nhưng các tiệm không còn chỗ trống. Nhiều em chỉ vào lớp điểm danh rồi đợi cô giáo không để ý là... lẻn ra khỏi lớp. Tại cổng trường cấp 3 Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khoảng 10 giờ sáng, trong một quán “nét” tôi thấy có hơn chục em say mê với các trò chơi game. Ngồi cạnh một em đoán chừng đang học lớp 10, tôi hỏi: “Đang giờ học mà sao lại chơi game thế này?”. Cậu học sinh thật thà trả lời: “Hôm nào em cũng trốn hai tiết chơi game. Học đủ cả 4-5 tiết thì buồn ngủ và mệt lắm!”. “Thế không sợ bố mẹ biết sao?”. Em bảo: “Làm sao biết được! Cứ đến giờ tan lớp là em nghỉ chơi và về nhà đúng giờ nên bố mẹ không để ý...”.

Đề nghị nhà trường và các bậc phụ huynh cần liên kết chặt chẽ trong việc quản lý giờ giấc học hành của các em. Giáo viên ở bất kỳ môn học nào cũng phải điểm danh sĩ số và nếu thấy em nào vắng mặt thì lập tức thông báo với ban giám hiệu để nhà trường liên lạc với phụ huynh. Được vậy, tình trạng học sinh “đốt” thời gian nơi các tiệm Internet sẽ giảm đi rất nhiều.

KIM CHUNG (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm