Tranh cãi bất phân thắng bại quy định 'đặt tên dài vô tận...'

Đây là một trong rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về PLO góp ý diễn đàn Đặt tên dài vô tận cũng phải chấp nhận?

Các ý kiến gửi về diễn đàn phân rõ thành hai luồng quan điểm rõ rệt: Thứ nhất là quan điểm ủng hộ pháp luật cần quy định về chuyện đặt tên và luồng quan điểm thứ 2: Chuyện đặt tên là chuyện của cá nhân, mỗi người tự biết lựa chọn cái tốt nhất cho con mình nên Nhà nước không việc gì mà phải can thiệp vào.

Tranh cãi bất phân thắng bại quy định 'đặt tên dài vô tận...' ảnh 1

Một trong những cái tên dài nổi tiếng

Đặt tên phải có… định hướng của Nhà nước
Khá nhiều ý kiến có chung quan điểm này. Các bạn cho rằng không thể để tự do đặt tên dài sao cũng được, phải có định hướng, điều chỉnh của pháp luật, nhà nước. Tên dài gây ảnh hưởng đến việc quản lý của nhà nước, gây khó, làm phức tạp các giao dịch xã hội và gây rắc rối cho chính bản thân công dân có cái tên khác người đó.
Bạn Sỹ Hoàng khẳng định: “Đúng! Đặt tên dài không ảnh hưởng tới đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật, tuy nhiên, tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và của Chính phủ là đặt tên không nên quá 25 chữ cái. Theo tôi, dù tự do gì gì đi chăng nữa cũng phải có sự định hướng của Nhà nước (đương nhiên phải định hướng đúng) thì xã hội mới trật tự và ổn định. Tự do quá cũng không nên các bạn ạ!”.
Bạn Nguyễn Thanh Huy cho rằng quyền về họ tên là quyền nhân thân gắn với mỗi con người, tuy nhiên do liên quan đến hoạt động quản lý hộ tịch của nhà nước thì pháp luật cần phải điều chỉnh: “Tên phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, phù hợp với văn hóa VN chứ không phải thích đặt sao thì đặt được”.
“Tên quá dài để làm gì, có ích lợi gì hay là chỉ thỏa mãn ý thích nhất thời lúc đó? chúng ta có nghĩ tới khi làm bất cứ giấy tờ gì cũng gây khó khăn cho người khác không ? Đừng nói tôi thích thì tôi làm, đó là tự do của tôi. Nên nhớ là ta đang sống trong cộng đồng, khi nào sống 1 mình trên đảo hoang thì tùy ý”. Bạn Nga nêu quan điểm.
Nhiều bạn còn bày tỏ việc đặt tên con đúng là quyền của các bậc cha mẹ, nhưng nếu để tự do quá, nhà nước không luật hóa việc đặt tên thì có thể sự ngẫu hứng của cha mẹ sẽ gây khổ cho con sau này.
“Nếu cha mẹ ngẫu hứng đặt tên thật dài cho con thì đứa trẻ sẽ lãnh đủ mọi hậu quả trong cuộc đời. Không có loại giấy tờ nào cho phép cái tên quá dài. Tên dài sẽ gây thiệt hại cho đứa trẻ, mà đứa trẻ lại không tự lựa chọn được vì nó bị mang cái tên quá dài từ sự ngẫu hứng của bậc cha mẹ. Cái quyền "ngẫu hứng" của bậc cha mẹ gây thiệt hại cho đứa con, có nên bị chế tài hay không?” Bạn Quang Vinh, bạn Trần Quang Hải, Bình Thuận và nhiều bạn khác cùng thắc mắc.
Bạn Kachiusa là một giáo viên cũng bày tỏ bức xúc khi công việc có bị ảnh hưởng bởi những cái tên: “Tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi nghĩ Nhà nước cần quy định cụ thể vấn đề đặt tên, Luật hóa rõ ràng. Cứ nói là vi hiến rồi muốn đặt tên dài 100 chữ, 1000 chữ bao nhiêu cũng được sao? Tôi làm nghề dạy học, chỉ cần tên học sinh có 20 chữ cái là giáo viên đã khốn khổ rồi vì không biết ghi chỗ nào trong các hồ sơ, sổ điểm, bằng tốt nghiệp. Về nguyên tắc, không được viết tắt tên học sinh trên bất kỳ văn bản pháp lý nào. Từ xưa đến nay, muốn xã hội có những trật tự thì đều phải có quy định. Đừng nói là VI HIẾN. Vi hay không cũng do mình quy định”.

Tranh cãi bất phân thắng bại quy định 'đặt tên dài vô tận...' ảnh 2
Tên dài khó ghi trong giấy khen

Pháp luật không nên can thiệp

Ngược lại, có nhiều ý kiến hơn không ủng hộ đề xuất này của Chính phủ và cho rằng đó là vi hiến, xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Nhiều ý kiến gửi về bày tỏ sự bức xúc về việc các đại biểu Quốc Hội đang lãng phí thời gian vì một việc quá nhỏ so với hàng trăm việc lớn lao khác đang chờ các đại biểu góp ý, biểu quyết.

“Hãy thống kê trên toàn quốc xem có bao nhiêu người đặt tên con dài quá mức đến phải viết tắt? tôi cho rằng không nhiều đến mức cần luật hóa việc đặt tên. Nhiệm vụ của luật không phải làm những việc tủn mủn như thế” bạnCông Lýbức xúc.
“Chuyện như vậy mà cũng đem ra QH bàn cho mất thời gian vàng ngọc của mấy vị, thảo nào mà khi dân cần thì các sếp cứ bận họp, người đặt tên dài cũng có rồi, rắc rối họ cũng gáng chịu rồi, tui đố ai có tên dài rồi còn dám đặt cho con như vậy nữa, quy định chi cho nó mệt, đặt cái tên dài thòng cho con không biết mắc cỡ với ông cán bộ hộ tịch à” bạnLinhđồng quan điểm.
“Ôi mỗi cái Tên mà quốc hội phải họp lên họp xuống. Tên thuộc phạm trù cá nhân riêng, không ảnh hưởng đến xã hội sao cứ áp đặt vậy. Tôi thấy tên của các đồng bào dân tộc nhiều lúc còn không đánh vần được mà” bạnNguyen Binhbày tỏ.
Không phải cho phép tự do đặt tên là ngay lập tức mọi người sẽ đặt tên con mình dài lượt thượt, loằng ngoằng khó hiểu và đánh đố người khác. Hiện nay dân trí đã được nâng cao, mọi người đều mong muốn con mình sẽ luôn gặp nhiều hạnh phúc may mắn, thành đạt trong cuộc sống, không ai mong muốn con mình sau này chuốc rắc rối vào mình, do đó, cái tên sẽ là nơi gửi gắm nhiều nhất những ước mơ ấy, do đó các bậc cha mẹ sẽ chọn nhưng cái tên hay, ý nghĩa và tạo thuận lợi nhất trong các quan hệ xã hội cho con mình sau này. Tên là của người ta, hay hay dở người ta chịu, liên quan gì đến nhà nước mà pháp luật can thiệp - các bạn cùng phân tích, bày tỏ.
Bạn Hoàng viết: “Tên của một người là thể hiện sự mong muốn, hàm chứa tình yêu thương của cha me, ông bà, dòng tộc đối với người đó chứ không phải ngẫu nhiên nảy sinh ra "một cái tên". Do vậy, dù tên của người có dài hay ngắn, pháp luật cũng không nên can thiệp”.
“Đặt tên là việc riêng của công dân, ai cũng có ý thức cho việc đặt tên, họ tự gánh chịu ảnh hưởng của cái tên do mình tự đặt ra trong cuộc sống sau này, đâu cần ai đó quy định phải thế nọ thế kia. Không thể viện cớ "công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp" mà khống chế số chữ cái cho một cái tên, mà can thiệp vào chuyện riêng của công dân. Cái tên người gây khó khăn lớn lao như thế nào cho công tác quản lý? Nói thật, trước đây tôi chỉ biết đến những việc nên tránh khi đặt tên như: tục tĩu, xúc phạm, kỳ cục - mà thực tế hầu như chẳng có ai lại đi làm cái việc “điên khùng” đó, cho dù nhà nước có quy định hay không” bạn Trang nêu ý kiến.
“Việc đặt tên của công dân, đã gọi là quyền nhân thân được Hiến Pháp bảo hộ thì tuyệt nhiên không được phép hạn chế. Trình độ nhận thức của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt nên người dân cũng tự nhận thức được Họ-tên của mình (con cái mình) sẽ ảnh hưởng như thế nào cho tương lai” bạn Phan Đình Thắng đồng quan điểm.
Bạn Tùng khẳng định quy định này quá xâm phạm vào quyền lợi nhân thân: “Đề xuất quy định này là không đúng, tên là của người ta, hay hay dở người ta chịu, liên quan gì đến nhà nước mà pháp luật can thiệp.
“Hiến pháp không quy định, đề xuất quy định này là "vượt" trên Hiến pháp - không ổn” bạn Minh Đức viết.
Bạn Thu Hà bức xúc: “Tên dài, ngắn là quyền cá nhân. Thế nào là "thuần phong mỹ tục"? tên dài, tên không được đẹp là trái với "thuần phong mỹ tục" á? Không chịu nổi”.
***
Tựu chung cả hai luồng quan điểm, các ý kiến đều cho rằng hiện tại mọi người đều đã biết chọn lựa những cái tên ngắn gọn, dễ thương, có ý nghĩa để đặt cho con mình. Cá biệt cũng có người đặt tên con dài “vô tận” và trái khoáy, đệm tiếng nước ngoài, tuy nhiên không cần thiết phải huy động người và tiền của để xây dựng hẳn một quy định luật để điều chỉnh việc này. “90 triệu dân Việt Nam có tên độc, lạ, dài, xấu được bao nhiêu cái mà phải huy động người để làm ra luật. Còn nhiều cái luật khác cần thiết để làm”, bạn Cường nêu ý kiến.
Có thể mượn ý kiến của các bạn Thanh Trúc, Phan Đình ThắngCông Lý để kết lại diễn đàn:
Tên con mà không được đặt theo mong muốn thì áp đặt quá. Việc đặt tên cho con là thể hiện sở thích, ý chí nguyện vọng của cha mẹ, giả dụ như họ có những suy nghĩ khùng điên như những góp ý của quý vị thì chính họ là người phải gánh chịu hậu quả. Đừng đem những khó khăn của cơ quan, ban ngành ra để ngăn cản và cấm đoán. Nếu có ngăn cấm thì cũng phải đúng luật, như không được đặt tên con bằng tiếng tàu, tiếng Thái, tiếng Ả Rập... vì những thứ tiếng đó không nằm trong bộ chữ cái, chữ số Việt Nam sử dụng, không đặt tên khi không đánh vần hoặc không đọc được như: Nguyễn Văn gkek... Nếu cấm được việc này sẽ phát sinh việc cấm khác, ví dụ cấm tên quá dài thì đến lúc nào đó, Quốc Hội lại phải họp bàn việc cấm đặt tên nghe thô tục, chẳng hạn như Thái Thiếu Phân..., lúc đó sẽ còn tranh cãi dài dài.
Nên chăng cơ quan quản lý nhà nước nên có những biện pháp tuyên truyền, khuyến khích để người dân chọn lựa được cái tên phù hợp. Khi người dân hiểu được sự quan trọng và ý nghĩa của việc ảnh hưởng từ tên gọi trong các vấn đề liên quan, họ sẽ dễ dàng chấp nhận. Không nên cấm đoán, hạn chế quyền hợp pháp của công dân.
Khi gặp trường hợp có cái tên "quý, hiếm, độc, lạ” thì cán bộ hộ tịch có thể giải thích những khó khăn sẽ gặp phải kèm lời khuyên chí tình... thế là đủ, và việc phải cho lời khuyên thế này sẽ là không nhiều.

Luật pháp và các quy định của pháp luật không phải là cấm công dân đặt tên dài hay ngắn nhưng cần phải có quy định cụ thể nhằm tránh những phiền toái về sau này.

Do vậy, tôi hoàn toàn tán đồng những quy định về tên của công dân Việt Nam trong dự thảo BLDS (sửa đổi). Tuy nhiên, cần phải cụ thể hóa hơn như sau: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam và phải tuân thủ các quy định sau:

1). Không tổn hại đến sự tôn nghiêm của quốc gia, dân tộc và các vị lãnh tụ;

2). Không vi phạm những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt Nam;

3). Dễ dẫn đến sự hiểu nhầm hoặc gây phản ứng không tốt của công chúng;

4) Không dùng số, bằng ký tự mà không phải là chữ; không dùng các phù hiệu, ký tự ngoại văn như La Tinh, Ả Rập,...; không dùng các ký hiệu hay chữ viết tắt của các tổ chức quốc tế, các chính đảng, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội ở trong nước;

5). Họ tên của một người không dưới 2 từ và không vượt quá 6 từ (như vậy không cần quy định số lượng chữ cái).”

Ngoài những quy định trên, điều hết sức cần thiết là các cán bộ hộ tịch, hộ khẩu cấp xã/phường cần phải có những hướng dẫn, tư vấn, giải thích, giúp đỡ thật chu đáo, tận tình cho các phụ huynh khi khai sinh cho con, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và những trường hợp đã có ý định đặt tên cho con mà tên đó nằm trong các quy định không cho phép của luật như đã nêu trên. Có như vậy mới tránh những rắc rối cho công dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính về nhân hộ khẩu của nhà nước.

TS PHẠM ĐI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm