Trốn cách ly y tế có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Sáng 20-3, tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng) xảy ra sự việc năm người thân của nữ bệnh nhân thứ 35, trong đó có chồng cô trốn khu cách ly về nhà.

Cụ thể, những người này được cách ly vào ngày 10-3 nhưng trốn khu cách ly về nhà nằm trong kiệt 408 (phường Bình Thuận, quận Hải Châu). Ngay sau đó, xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Hải Châu đã lập tức về nhà cưỡng chế họ đi cách ly lại.

Hành vi trốn khỏi khu cách ly là hết sức nguy hiểm, nhất là đang trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Qua sự việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc rằng liệu những hành vi trốn cách ly như vậy có bị chế tài gì hay không.

Về vấn đề này, luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết những trường hợp từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế có thể bị xử phạt theo Điều 10 Nghị định 176/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Cụ thể, phạt tiền 2-5 triệu đồng nếu từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp trốn tránh cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (dịch COVID-19 được xác định là nhóm A) thì mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng và buộc cưỡng chế cách ly.

Song song đó nhiều bạn đọc cũng tỏ thái độ phẫn nộ và cho rằng cần phải bỏ tù những người này.

Theo luật sư Dũng, bên cạnh chế tài xử phạt hành chính thì tùy theo mức độ, hậu quả gây ra thì hành vi trốn cách ly có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không dễ xử lý hình sự như mong muốn của một số người vì để chứng minh một người làm lây lan dịch bệnh là rất khó. 

Bộ luật Hình sự có quy định hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5-10 năm nếu vì hành vi phạm tội mà dẫn đến việc phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người.

Còn nếu nếu hành vi phạm tội dẫn đến việc phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù 10-12 năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm