Trường chuẩn quốc gia vô ra bí rị

Những năm gần đây TP Cần Thơ đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường học để đáp ứng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT về trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, TP có 281/460 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 61%. Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP Cần Thơ đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập về các công trình có tiếng là đạt chuẩn này.

Trường đạt chuẩn nhưng không có đường vào

Thực tế hiện nay cho thấy việc triển khai xây dựng một số dự án thiếu đồng bộ, vị trí xây trường không phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông, trường đã đưa vào sử dụng mà đường vào trường còn chưa có.

Đơn cử là Trường THPT Phan Văn Trị ở ấp Nhơn Lộc 1, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ngôi trường này được xây dựng trên diện tích 15.000 m2 gồm ba khối nhà, tổng mức đầu tư trên 60 tỉ đồng. Mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện trường vẫn không có đường vào mà phải thuê đất của người dân làm lối đi tạm.

Theo ghi nhận của PV, lối đi tạm này chỉ là đường rải cát, trời nắng thì bụi, trời mưa lại lầy lội. Con đường đi vào từ dốc cầu Trà Niền cũng rất nhỏ, mặt đường đầy ổ gà, ổ voi. Cổng chính của trường chưa được mở, bảng tên vẫn bọc kín. Được biết theo kế hoạch, cổng chính sẽ kết nối với đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nhưng hiện dự án này vẫn giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Địa phương cũng rất quan tâm đến tình hình không có đường vào của trường, đã làm việc nhiều lần nhưng phải đến cuối năm 2018 mới có thể hoàn thành con đường”.

Tương tự là Trường Mầm non Tân Nhơn ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền cũng được đầu tư khang trang, hướng đến công nhận trường chuẩn quốc gia nhưng đường vào vẫn phải đi qua đất người dân cho mượn.

Do không có đường vào nên Trường Phan Văn Trị phải thuê đất của người dân để làm lối đi tạm với giá 8 triệu đồng/tháng (ảnh lớn). Mới đưa vào sử dụng chưa được một năm nhưng trường đã xuống cấp như thế này (ảnh nhỏ). Ảnh: H.DƯƠNG

Mới xây chất lượng đã “lung lay”

Trường THPT Phan Văn Trị mới đưa vào sử dụng khoảng một năm nay nhưng nhiều điểm trong trường đã có dấu hiệu xuống cấp, hành lang nứt nẻ nghiêm trọng, mặt sàn sụt lún, bong tróc.

Cùng cảnh ngộ là Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2017 nhưng đến nay gạch lót nền, gạch dán tường ở một số phòng học đã bong tróc; trang thiết bị, hệ thống thoát khí, truyền dẫn nước trong nhà vệ sinh hoạt động không đảm bảo. Trường THCS Trung Kiên, quận Thốt Nốt tuổi thọ cũng chưa được một năm mà nền nhà đã sụp, lún.

Chưa kể hệ thống phòng cháy, chữa cháy của một số trường không có phiếu kiểm định của cơ quan chức năng, một số thiết bị chuyên dùng như dây, vòi phun, bình cứu hỏa còn thiếu…

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các quận, huyện là quỹ đất dành cho hạng mục trường học còn thiếu. Đa số trường ở trung tâm không đảm bảo đạt chuẩn quốc gia về diện tích bình quân học sinh.

Ban Văn hóa-Xã hội cũng đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện và khắc phục những vấn đề còn tồn đọng đã nêu; kiến nghị UBND chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP khẩn trương thực hiện dự án đường vào cho Trường Phan Văn Trị, chậm nhất là đầu năm học 2018-2019; Sở GD&ĐT phối hợp với nhà thầu khắc phục, sửa chữa các hạng mục công trình hư hỏng ở Trường Lý Tự Trọng; bổ sung trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của một trường chuyên theo quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá lại hiện trạng công trình Trường chuyên Lý Tự Trọng. Việc xây dựng trường được chia làm hai giai đoạn, một số hạng mục thuộc giai đoạn trước đã hết thời hạn bảo hành. Còn về đường đi vào Trường Phan Văn Trị không thuộc trách nhiệm của Sở. Phần đường này nằm trong dự án làm đường thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của TP, Sở chỉ phối hợp với địa phương kiến nghị đơn vị thực hiện sớm hoàn thành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm