Từ 1-6, được để rác trước nhà nhưng phải phân loại

Với Quyết định 12/2019/QĐ-UBND của UBND TP.HCM chính thức có hiệu lực vào ngày 1-6-2019 quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP thì cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn CTRSH trong các thiệt bị lưu chứa trước nhà chờ chủ thu gom, vận chuyển CTRSH đến lấy trong thời gian quy định.

Đồng thời, chủ thu gom, vận chuyển sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác đã được thỏa thuận với cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải khi đến lấy CTRSH.

Như vậy, từ quy định trên, trong trường hợp người dân khi không có điều kiện chuyển giao trực tiếp CTRSH đến địa điểm xử lý thì có thể để sẵn rác thải các thiệt bị lưu chứa CTRSH trước nhà chờ chủ thu gom, vận chuyển đến lấy trong thời gian quy định.

Vậy việc lưu chứa CTRSH trước nhà như thế nào là đúng qui định? Cũng theo quy định tại Điều 5 của Quyết định 12 thì cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn chất thải phải thực hiện phân loại rác tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý. Theo đó, CTRSH được phân thành ba nhóm, bao gồm:

+ Nhóm chất thải chất hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật).

+ Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh).

+ Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ chủ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Bên cạnh việc phân loại rác thải, cá nhân, chủ hộ gia đình, chủ nguồn thải bắt buộc thực hiện việc lưu chứa CTRSH trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, phải có dấu hiểu nhận biết loại chất thải.

Bao bì (túi) hoặc các thiết bi lưu giữ (thùng) phải đảm bảo lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác, có kích thước phù hợp với lượng chất và thời gian lưu giữ rác thải. Bao bì (túi) thì phải bao bì (túi) phải được buộc kín, nếu là thiết bị lưu giữ phải có nắp đập kín để không phát tán mùi. Quyết định cũng nêu rõ đối với khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất tần suất thu gom tối thiểu là 1 ngày/lần. Khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu là 1-2 ngày/lần.

Đồng thời, thông qua quyết định này, UBND TP.HCM cũng khuyết khích người dân hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy để chứa rác thải sinh hoạt sau phân loại, thay vào đó là các loại túi có chất liệu thân thiện với môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm