Từ 24-11, người dân phải phân loại rác trước khi vứt

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 44/2018 về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Theo quyết định này, người dân phải phân loại rác tại nguồn trước khi bỏ vào bịch rác chuyển giao cho đơn vị thu gom rác.

Không phân loại sẽ bị phạt

Thành phố khuyến khích người dân sử dụng các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường như sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ. Các túi chứa được dán nhãn, ghi  chữ có màu sắc khác nhau hoặc đánh dấu để dễ nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Việc tổ chức thu gom cũng được quy định rõ. Cụ thể, chất thải hữu cơ được tổ chức thu gom thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại sẽ được thu gom vào các ngày còn lại. Tùy điều kiện thực tế tại địa phương, UBND các quận, huyện tổ chức, sắp xếp thời gian thu gom phù hợp.

Các hộ gia đình khi có phát sinh chất thải đột xuất hay có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mà có nhu cầu được tổ chức thu gom hằng ngày hai nhóm chất thải thì phải trả thêm chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển.

Người dân được quyền giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất thu gom theo quy định.

Đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải của hộ gia đình khi họ không phân loại, chuyển giao đúng theo quy định.

Trường hợp hộ gia đình không chấp hành phân loại, chuyển giao rác theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (ba lần trở lên trong một tuần) thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thành Phục đã được UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM hướng dẫn phân loại rác trước khi bỏ đi. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phải hướng dẫn cụ thể cho dân

Bà Lê Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, quận Tân Bình, cho biết: “Từ hai tháng trước, phường 4 đã triển khai phân loại rác tại nguồn trong hẻm 33 đường Trường Sơn và nhận được sự ủng hộ của người dân. Trong đợt vận động này, UBND phường đã xuống từng nhà dân để tuyên truyền, hướng dẫn cách phân biệt và xử lý từng loại rác. Nhiều người ban đầu cũng phản ứng vì ngại rắc rối nhưng khi nghe chúng tôi tuyên truyền thì đã làm theo”.

“Gia đình tôi không phải ai cũng biết thu gom rác, nhiều lúc cũng bỏ lộn từ thùng rác này sang thùng rác khác. Đến khi UBND phường tổ chức hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà, lúc này mọi người biết cách. Vì vậy, trước khi áp dụng quy định này, các địa phương cần tuyên truyền cụ thể tới từng hộ gia đình để người dân thay đổi thói quen bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc phân loại rác tại nguồn cần thực hiện đồng bộ ở toàn TP.HCM. Bởi trên thực tế người dân chúng tôi phân loại rác tại nguồn, sau đó nhiều đơn vị thu gom rác dân lập lại trộn lẫn các loại rác lại với nhau, như vậy thì lãng phí”.

Ông NGUYỄN THÀNH PHỤC, phường 4, quận Tân Bình

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, nhận định: Ngoài việc hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn thì việc quản lý các cơ sở rác dân lập hiện còn nhiều khó khăn. Đa số các đơn vị này tự hợp đồng với các hộ dân nên phường rất khó quản lý và xử lý. Nhiều trường hợp đơn vị thu gom rác tiếp nhận rác khó tiêu hủy rồi sau đó đi vứt xuống kênh rạch.

Bà Bùi Thị Kim Oanh, phường 4, quận Tân Bình nhận định: “Lâu nay, người dân chưa biết phân loại rác tại nguồn nên thường bỏ chung một mối. Nhiều lúc gia đình có rác là chất thải rắn khó tiêu hủy phải năn nỉ người gom rác mà họ vẫn không thu. Khi Quyết định 44/2018 có hiệu lực, người dân có quyền giám sát đơn vị thu gom rác có lấy rác đúng giờ, có phân loại hay không. Từ đó, chính quyền có thể xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm”.

Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết hiện nay UBND phường mới tiếp nhận và vận động, tuyên truyền đến người dân. Theo bà Cúc, khó khăn khi thực hiện Quyết định 44/2018 là các cơ sở vật chất của các đơn vị thu gom rác dân lập còn hạn chế nên khó triển khai đúng tiến độ. UBND phường đang phân loại rác tại nguồn tại các tuyến đường do Công ty Dịch vụ công ích quản lý như đường Độc Lập, Trần Hưng Đạo, các chung cư trên đường Âu Cơ... Việc xử phạt chưa thể thực hiện ngay mà cần có thời gian hướng dẫn, chuyển đổi để người dân thích nghi.

Phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu không phân loại rác

Trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Điều 20 của nghị định này có quy định:

Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…