Từ ca nhiễm số 61, những lưu ý cho người từ nước ngoài trở về

Sáng 17-3, trên trang Facebook cá nhân của mình, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng Khoa nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng I) đã có buổi nói chuyện trực tiếp chia sẻ những lưu ý về cách phòng, chống lây nhiễm COVID-19 liên quan đến bệnh nhân số 61 là người Ninh Thuận trờ về từ Malaysia.

Cụ thể, bác sĩ đã chia sẻ những lưu ý hữu ích sau:

- Từ bệnh nhân số 61 cho thấy bất kỳ người nào về/đến từ nước ngoài, cho dù là bất kỳ nước nào, không phải vùng dịch trong vòng 14 ngày qua, thì cũng phải tự xem mình là người có nguy cơ lây nhiễm. Những người này phải luôn có ý thức rằng: "Bất cứ lúc nào mình cũng có thể phát tán virus ra xung quanh, cho gia đình, cho cộng đồng, đặt biệt là người lớn tuổi".

- Có ba nguồn lây bệnh mà những người trên có thể bị mắc là: Từ nước sở tại, từ sân bay trong thời gian chờ bay, từ trên máy bay.

- Những trường hợp người đến/về từ nước ngoài cần chủ động phòng ngừa, hạn chế tiếp xúc ngay từ đầu kể cả khi không có triệu chứng gì. Nếu có triệu chứng dù là mơ hồ thì phải đi khám ngay. Khi đi khám thì tự chạy xe máy đi, tránh tiếp xúc nhiều. Đồng thời đến cơ sở y tế cần khai báo thông tin trung thực.

- Có nhiều trường hợp xét nhiệm âm tính rồi, sao sau đó lại dương tính thì đó là chuyện bình thường. Lý do là virus nó phải tụ đủ một lượng nào đó thì khi lấy mẫu mới ra dương tính được. Khi mới dính virus thì lượng này có thể chưa đủ nhưng sau vài ngày nó phát tán trong cơ thể thì xét nghiệm mới ra. Chính vì vậy khi dấu hiệu nhiệm bệnh thể hiện rõ ra (ho, sốt, nhức mỏi cơ...) thì đó chính là lúc virus lây lan mạnh nhất.

- Tất cả mọi người nên đeo khẩu trang, rửa tay và rửa tay sát khuẩn thường xuyên. Nếu không đeo khẩu trang mà rửa tay thì chưa chặn hết nguồn lây, vì khi tiếp xúc với người lây nhiễm thì giọt bắn nó đã vào mắt mũi miệng, rửa tay cũng không cản được. Còn nếu chỉ đeo khẩu trang mà không rửa tay thì khi đưa tay lung tung lên vùng mặt là nguy.

Bộ ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam ở vùng có dịch

- Công dân Việt Nam cần tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhất là từ các vùng có dịch.

Đối với những người đang ở nước ngoài: Không đến các vùng đang có dịch; Hạn chế đi lại và tới những nơi công cộng đông người nếu không thực sự cần thiết; chủ động cập nhật thông tin qua báo chí chính thức, cảnh giác và không truyền bá những thông tin chưa kiểm chứng...

- Đối với những người từ nước ngoài trở về: Thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh.
- Đối với những người trở về từ hoặc đi qua vùng có dịch: Thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh; chấp hành nghiêm túc việc giám sát y tế và cách ly 14 ngày theo quy định.
- Những hành vi che giấu, không khai báo, cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, không chấp hành cách ly sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
- Kịp thời thông tin tới các cơ quan chức năng sở tại, các cơ quan đại diện Việt Nam tại sở tại và người thân trong trường hợp khẩn cấp. Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc số điện thoại của tổng đài bảo hộ công dân Cục Lãnh sự là: +84.981.84.84.84.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm