Ủy ban chen ngang làm rối vụ án

Năm 1959, ông K. lập tờ giao kèo cho ông C. mướn hơn 1.000 m2 đất tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh trong thời hạn 10 năm để làm nhà máy xay xát lúa. Năm 1975, hai bên lập tiếp hợp đồng cho thuê đất, thời hạn tính từ năm 1971 đến 1980. Sau đó, ông C. vẫn tiếp tục sử dụng đất đến năm 2002 thì bị con ông K. kiện đòi trả đất. Đáng chú ý là vào năm 1995, UBND huyện Cầu Kè đã cấp giấy đỏ cho ông K.

Giấy đỏ bị hủy

Năm 2004, TAND huyện Cầu Kè xử cho bị đơn được quyền sử dụng đất nhưng phải thanh toán tiền đất cho nguyên đơn. Cấp sơ thẩm còn tuyên hủy giấy đỏ mà ông K. đứng tên. Cũng trong năm 2004, vì có vài thiếu sót về tố tụng nên TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

Đến năm 2005, khi tòa án chưa giải quyết xong tranh chấp thì UBND huyện Cầu Kè ra quyết định thu hồi giấy đỏ của ông K. với lý do cấp không đúng quy định. Việc thu hồi giấy gây rắc rối trong xác định thẩm quyền vì theo nguyên tắc, tòa án chỉ có quyền giải quyết các tranh chấp đất đã có giấy đỏ.

Dầu vậy, TAND tỉnh Trà Vinh vẫn thụ lý để giải quyết sơ thẩm vụ án vào tháng 4-2008. Cấp sơ thẩm khẳng định UBND huyện tự ra quyết định hủy giấy đỏ khi tòa án đang giải quyết vụ án là không đúng pháp luật. Tháng 8-2008, khi phúc thẩm vụ án, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục “phê bình” hành vi chen ngang trái phép của UBND huyện.

Hai cấp xét xử thống nhất đường lối giải quyết vụ án theo hướng buộc ông C. dời toàn bộ tài sản để trả lại gần 800 m2  đất (diện tích đo thực tế) cho gia đình ông K. Theo cấp phúc thẩm, tuy ông C. thuê đất nhưng ông K. vẫn là người trực tiếp kê khai đăng ký, thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước. Như vậy, ông K. vẫn là chủ sử dụng hợp pháp đất tranh chấp. Vì ông K. đã mất nên phần đất này trở thành di sản của các đồng thừa kế.

Tòa không được xử

“Đất không có giấy đỏ thì tòa không thể xét xử” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, nhận định vậy. Tiến sĩ Phương phân tích: UBND cấp có thẩm quyền được quyền thu hồi giấy đỏ đã cấp vào bất cứ thời điểm nào, kể cả khi đất có tranh chấp hay không có tranh chấp, kể cả khi tòa án chưa xử, đang xử hay đã xử xong.

Trong vụ án cụ thể này, UBND huyện không làm sai trong việc thu hồi và hủy bỏ giấy đỏ khi tòa án đang giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân. Bởi lẽ luật chỉ quy định đất đang có tranh chấp thì không được cấp giấy đỏ chứ không quy định đất đang có tranh chấp thì không được thu hồi giấy đỏ. Là cơ quan hành chính độc lập với tòa án, UBND huyện được chủ động kiểm tra, thu hồi và hủy giấy đỏ mà không phụ thuộc vào việc tòa án đã giải quyết xong tranh chấp giữa các bên hay chưa. Đương sự bị thu hồi và hủy giấy đỏ có quyền khiếu nại vụ việc theo thủ tục hành chính.

Cách xét xử nêu trên của hai cấp tòa đã vi phạm thẩm quyền được quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003. Theo khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, lẽ ra tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án vì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Việc giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án sẽ là cách khắc phục hợp lý nhất trong trường hợp này.

HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.