Vi bằng của thừa phát lại phải được đăng ký

Không chỉ có người dân, nhiều cán bộ, công chứng cũng chưa rõ thừa phát lại (TPL) là ai, vi bằng là gì. Mở đầu cuộc trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM, giải thích:

TPL là người được nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận khách quan, trung thực những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về những hoạt động của văn phòng TPL.

Chỉ mới thí điểm ở TP.HCM

. Một người dân cho biết anh của cô đang thụ án tù tại một trại giam ở Gia Lai đang có nhu cầu lập vi bằng. TPL có thể đến tận trại giam để lập vi bằng không?

Vi bằng của thừa phát lại phải được đăng ký ảnh 1
+ Do chỉ được triển khai thí điểm trên địa bàn TP.HCM nên TPL chỉ được lập các vi bằng để ghi nhận các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn TP.HCM.

. Được biết tất cả vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp TP.HCM thì mới có giá trị pháp lý. Nếu nhận thấy vi bằng lập không đúng thì Sở sẽ hủy hay sao?

+ Sau khi lập vi bằng, văn phòng TPL phải gửi một bản cho Sở Tư pháp TP.HCM để đăng ký trong thời hạn ba ngày làm việc. Trong thời hạn không quá hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM phải vào sổ đăng ký vi bằng TPL. Thủ tục này nhằm phục vụ cho công tác quản lý TPL, đồng thời cũng nhằm đảm bảo tính xác thực của vi bằng, phòng ngừa hiện tượng ngụy tạo vi bằng. Do vậy, nếu không tiến hành việc đăng ký thì giá trị pháp lý của vi bằng không được bảo đảm.

Vi bằng của thừa phát lại phải được đăng ký ảnh 2

Khách hàng đang nhờ Văn phòng thừa phát lại Bình Thạnh xác minh điều kiện thi hành án. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

Quy định hiện hành không cho phép Sở Tư pháp hủy vi bằng hay từ chối đăng ký vi bằng. Chỉ có tòa án mới có thể phán quyết một vi bằng là vô hiệu, không có giá trị chứng cứ. Ngoài ra, đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

. Trong việc mua bán nhà đất bằng giấy tay, có người nói có thể lập vi bằng về việc A giao tiền cho B, B giao nhà cho A. Nhưng có người nói việc mua bán nhà giấy tay là không hợp pháp nên không thể lập vi bằng. Cách hiểu nào đúng?

+ TPL không được lập vi bằng trong các trường hợp: vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Do vậy, TPL không được phép lập vi bằng đối với trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay. Tuy nhiên, đối với việc các bên giao tiền, giao nhà cho nhau thông qua giao dịch hợp pháp thì TPL có thể tiến hành việc lập vi bằng theo yêu cầu của các bên (sau khi công chứng hợp đồng, bên mua nhà giao tiền cho bên bán trước sự chứng kiến của TPL).

. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy các văn phòng đều thu 2 triệu đồng/vi bằng. Sự thống nhất này có làm giảm đi tính cạnh tranh giữa các văn phòng TPL và người dân sẽ chịu thiệt thòi?

+ Theo quy định, người yêu cầu lập vi bằng được quyền thỏa thuận với trưởng văn phòng TPL về chi phí lập vi bằng. Nếu có hiện tượng thống nhất về mức phí tối thiểu như PV đã nêu thì chúng tôi sẽ xem xét lại để chấn chỉnh.

Mức phí thi hành án

. TPL còn được thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Nhưng tại thời điểm này, dường như TPL chỉ làm mỗi việc lập vi bằng. Vì sao, thưa ông?

+ Đến giờ thì hoạt động TPL vẫn còn quá mới mẻ nên cần có thêm thời gian để người dân quen dần với dịch vụ TPL. Bước đầu, các văn phòng TPL cũng đã nhận được các yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp thi hành bản án, quyết định của tòa án. Các văn phòng TPL cũng đang xúc tiến việc ký hợp đồng tống đạt với các tòa án và cơ quan thi hành án. Việc cần làm của các văn phòng TPL trong giai đoạn đầu của việc thí điểm này là chất lượng dịch vụ chứ không phải là chạy theo số lượng vụ việc.

. Khi nhờ TPL, người dân có phải trả mức phí thi hành án cao hơn so với nhờ cơ quan thi hành án hay không?

+ Không. Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án, văn phòng TPL được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự. Cụ thể: Mức phí thi hành án là 3% trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng một đơn yêu cầu thi hành án. Như vậy, văn phòng TPL chỉ được phép thu mức phí thi hành án dân sự tương tự như mức thu của cơ quan thi hành án dân sự.

. Vẫn còn nhiều người dân, thậm chí cán bộ cơ quan nhà nước còn xa lạ với mô hình TPL. Làm thế nào để hình ảnh của TPL gần gũi hơn đối với mọi người dân?

+ Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chế định TPL một cách sâu rộng và thường xuyên hơn. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta nên các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm quán triệt và tuyên truyền rộng rãi bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chẳng hạn như ngay trong bản án, quyết định về dân sự của tòa án nên ghi rõ đương sự có quyền nhờ cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng TPL thi hành. Ngoài ra, bản thân các văn phòng TPL cũng cần phải tự quảng bá hình ảnh của mình thông qua chất lượng và hiệu quả công việc.

. Xin cảm ơn ông.

Vi bằng có ba bản chính

Một bản giao người yêu cầu, một bản gửi Sở Tư pháp TP.HCM để đăng ký, một bản lưu trữ tại văn phòng TPL. Trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM phải vào sổ đăng ký vi bằng TPL.

(Theo khoản 4, 5 Điều 26 Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ)

ÁI PHƯƠNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm