Vì sao đóng BHXH mà vẫn không được hưởng?

Dù pháp luật đã quy định rõ những chế tài nhưng nhiều người vẫn cho người khác mượn hồ sơ bảo hiểm xã hội (BHXH) để đi làm thủ tục tham gia chế độ BHXH cho họ. Rốt cuộc, cả đôi bên đều không được hưởng BHXH, thậm chí phải đối diện với chuyện bị phạt tiền hoặc khởi tố hình sự.

Rủi ro khó lường

Chị Nguyễn Thị B. (Bình Dương) tham gia BHXH sáu năm. Sau đó, người em gái mượn hồ sơ của chị để đi làm và tham gia BHXH hai năm. Sau đó, em gái chị B. nghỉ làm và mượn CMND của chị đi nhận bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và BHXH.

Đến lượt mình, chị B. làm thủ tục hưởng BHTN thì không thể làm được vì chị nhận được thông báo đã lĩnh khoản này từ cách đây hai năm. Chị đã phản ánh lên cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc hưởng BHTN và BHXH.

Một trường hợp khác là chị Lê Thị M. (quê Nghệ An) là công nhân tại Công ty TNHH May mặc MTV SP (KCN Sóng Thần, Bình Dương). Do chưa đủ tuổi lao động nên chị M. đã mượn bộ hồ sơ xin việc của người thân để ký hợp đồng lao động.

Mới đây, khi làm thủ tục nhận trợ cấp thai sản, công ty yêu cầu chị M. nộp giấy tờ liên quan thì phát hiện hồ sơ xin việc là của chị ruột. Chính vì vậy công ty đã không thể giải quyết chế độ thai sản cho chị M.

Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh đã phát hiện hơn 103 hồ sơ BHXH trùng tên do người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm.

Khi phát hiện trùng hồ sơ thì cơ quan BHXH sẽ tiến hành xác minh. “Khi xác minh là đúng thì tùy vào thời điểm mượn, người mượn hồ sơ sẽ được công nhận hay bị hủy bỏ toàn bộ thời gian tham gia; đồng thời không được giải quyết các chế độ BHXH, BHTN hoặc thu hồi các chế độ đã hưởng. Ngoài ra, giữa người mượn và người cho mượn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi về BHXH, BHTN…” - bà Lý cho biết thêm.

Người lao động làm thủ tục BHXH tại BHXH tỉnh Bình Dương. Ảnh: VŨ HỘI

Đừng bao giờ cho mượn hồ sơ BHXH

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý, đối với người cho mượn hồ sơ, trong giai đoạn chờ xác minh thì tạm thời người lao động sẽ chưa được cấp sổ BHXH. Mọi quyền lợi về chế độ BHXH trong giai đoạn này sẽ chưa được giải quyết. Trường hợp người mượn hồ sơ đã chết hoặc di chuyển đi nơi khác sinh sống thì việc giải quyết sẽ rất phức tạp và người chịu hậu quả sẽ là người cho mượn hồ sơ.

Đối với người mượn hồ sơ thì cũng sẽ không được hưởng chế độ thai sản (trường hợp là nữ - PV), vì tên người tham gia BHXH và tên người mẹ trên giấy khai sinh khác nhau. Trong thực tế đã có trường hợp khi người lao động sinh con, nhập viện bằng tên của người cho mượn hồ sơ để được hưởng chế độ BHYT, chế độ thai sản nhưng khi phát hiện trùng hồ sơ, người lao động phải trả lại số tiền đã hưởng chế độ thai sản cho cơ quan BHXH; không được hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần, BHTN… do tên người tham gia ghi trên sổ BHXH và tên người đăng ký hưởng khác nhau.

Về phía cơ quan BHXH, phải thông báo với đơn vị sử dụng lao động, mời người lao động lên xác minh, bố trí nhân viên để phối hợp với ngành LĐ-TB&XH xác minh hồ sơ, xử lý dữ liệu liên quan… Điều này gây mất sức và lãng phí về nhân lực, thời gian, tài chính.

“Người lao động tuyệt đối không cho người khác mượn, thuê mướn hoặc bán hồ sơ của mình vì đó là hành vi vi phạm pháp luật…” - bà Lý khuyến cáo.

Phạt tiền, khởi tố hình sự

Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương Lê Minh Lý cho biết nếu người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 88/2015).

Đặc biệt, Luật BHXH quy định rõ về hành vi “gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN”. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính tương ứng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN theo Điều 214 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm