Vợ đứng tên nhà, chồng vẫn được thừa kế

Sau bài viết “Tài sản vợ chồng, nhiều điều cần biết” (Pháp Luật TP.HCM ngày 30-1), nhiều bạn đọc tiếp tục đặt nhiều câu hỏi, trong đó có một số thắc mắc đến tài sản vợ chồng có yếu tố nước ngoài trong Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 .

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Tiến - Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự và HNGĐ (Trường ĐH Luật TP.HCM) về các vấn đề bạn đọc quan tâm.

Được hưởng giá trị tài sản

Bạn đọc Nguyễn Văn Trường hỏi: “Tôi cư trú ở Pháp. Năm 2010, tôi đăng ký kết hôn, mua ba căn nhà tại quận 8, TP.HCM. Tôi để cho vợ tôi đứng tên toàn bộ tài sản mà tôi mang tiền về mua. Vợ tôi hiện đang bệnh hiểm nghèo. Nếu vợ tôi không may qua đời thì tài sản do vợ tôi đứng tên tính sao?”.

TS Nguyễn Văn Tiến: Đối với quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ, chồng được thừa kế riêng, được tặng, cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Nếu người vợ mất, người chồng sẽ được thừa kế giá trị phần tài sản mà vợ để lại. Lý do là luật hiện hành quy định trường hợp của bạn không được đứng tên sở hữu nhà, sử dụng đất, trừ trường hợp hồi hương.

Bạn đọc Trần Hà hỏi tiếp: “Tôi quốc tịch Mỹ, về Việt Nam lấy vợ người Việt Nam. Sau kết hôn, tôi bỏ tiền cho vợ tôi đứng tên mua nhà cửa, đất đai, sắm sửa mà không làm cam kết tài sản riêng. Giờ vợ tôi muốn bỏ tôi thì tôi có thể lấy lại nhà, đất của tôi không?”.

Vấn đề này TS Nguyễn Văn Tiến cho biết: Việc xác định tài sản chung/riêng sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của vợ/chồng về việc lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hay theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì theo Điều 33 Luật HNGĐ, tài sản do vợ hoặc chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung mà không phân biệt công sức đóng góp.

Do đó nếu ly hôn thì những tài sản này sẽ được chia theo chế độ tài sản chung. Trường hợp của bạn, bạn chỉ được 50% giá trị tài sản chung khi ly hôn.

Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM đang làm thủ tục đăng ký kết hôn cho một trường hợp có yếu tố nước ngoài. Ảnh: TL

Tiền riêng nhưng tài sản chung

“Tôi bỏ tiền mua một căn nhà nhưng đứng tên cả hai vợ chồng. Giờ tôi muốn cho hai đứa con (một chung, một riêng của tôi) nhưng vợ tôi không đồng ý. Tôi tự quyết được không?” - bạn đọc Hoàng Văn Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi.

TS Nguyễn Văn Tiến: “Luật HNGĐ quy định tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung, không phân biệt công sức đóng góp (trừ trường hợp trước khi kết hôn đã lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận). Do đó, mặc dù căn nhà do bạn bỏ tiền mua nhưng đã đứng tên cả hai thì đây chính là tài sản chung và khi tặng cho cần phải có sự đồng ý của vợ”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng Nhung (quận Tân Bình, TP.HCM) nêu thêm một thắc mắc: “Vợ đi làm, lo tất cả chi phí và dành dụm. Chồng thì không làm gì cả. Vậy khi ly hôn, tài sản vợ kiếm được có phải chia không?”.

“Phần này tôi đã nêu trong câu hỏi trước đó. Nếu lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì những tài sản được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định là tài sản chung và chia theo chế độ tài sản chung. Nếu lựa chọn chế độ tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có tài sản đó thì những tài sản này sẽ được chia theo chế độ tài sản riêng” - TS Nguyễn Văn Tiến nêu.

Tài sản riêng khi được tặng riêng

Bạn đọc Phan Đăng Quang hỏi: “Tôi đang làm thủ tục khai nhận thừa kế một nửa căn nhà là tài sản chung của tôi với người vợ đầu (đã chết). Hiện tôi đã tái hôn. Khai nhận thừa kế xong, tôi bán nhà chung của tôi với người vợ đầu. Bây giờ tôi dự định mua một căn nhà mới để ở với người vợ sau. Tôi phải làm thế nào để xác định căn nhà mới này là tài sản riêng. Thực sự tôi rất khó nói và không thể yêu cầu vợ sau của tôi làm cam kết tài sản riêng cho tôi”.

TS Nguyễn Văn Tiến: Tiền là vật tự do lưu thông nên khó phân định đâu là tiền bán nhà và đâu là tài sản chung của vợ chồng. Bạn phải chứng minh được tiền bán nhà là tài sản riêng của bạn. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Giải pháp an toàn cho bạn có thể là sau khi bán nhà thì yêu cầu người mua chuyển tiền cho người mà bạn tin cậy (cha mẹ, anh em, bạn bè thân…). Sau đó nhờ người này đứng tên căn nhà đó. Người đứng tên giùm sẽ làm hợp đồng tặng cho lại bạn. Nhà sẽ là tài sản riêng của bạn vì tài sản riêng là tài sản được thừa kế riêng hoặc tặng cho riêng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm