Vụ cô gái tát CSGT: Cảnh tỉnh ý thức chấp hành pháp luật

Răn đe bằng luật pháp

Vụ một cô gái trẻ có hành động bạo lực với một cảnh sát vừa được đưa ra xét xử không phải là một hiện tượng đơn lẻ, bởi tình trạng chống cảnh sát đang có xu hướng gia tăng ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Theo báo cáo của Liên đoàn Công chức ngành cảnh sát của Thụy Sĩ (FSFP), nếu trong năm 2000 có tổng cộng 774 vụ cảnh sát bị tấn công thì vào năm 2008, con số này lên đến 2.000 vụ, tức tăng gần 160%. Tại nước Đức, theo các thông tin của Công đoàn Cảnh sát (GdP) thì trong vòng mười năm trở lại đây, số vụ bạo lực chống cảnh sát đã tăng lên 31%, riêng tại vùng Bắc Westphalie thì số vụ bạo lực chống cảnh sát đã tăng đến 80%. Tình trạng bạo lực chống cảnh sát cũng gia tăng tại Pháp và Tổng thống Sarkozy cũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ Pháp phải sớm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Lý giải thế nào về hiện tượng này là điều không dễ dàng, bởi chúng ta chưa có những cuộc nghiên cứu liên quan. Tuy nhiên, có thể nhận thấy đây là một hiện tượng nảy sinh từ sự vận hành nói chung của xã hội hiện tại. Hành vi bạo lực đang hiện diện khá thường xuyên trong quan hệ giữa người với người hiện nay và nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực từ gia đình (bạo hành gia đình), học đường (bạo hành học đường), thể thao (bạo lực trong thi đấu thể thao)… Hành vi bạo lực chống cảnh sát nói riêng và người thi hành công vụ nói chung cũng nằm trong xu hướng “vị bạo lực” như thế của xã hội. Khi luật pháp mất tác dụng răn đe và công lý không được đảm bảo thì bạo lực là công cụ được viện dẫn đầu tiên, bởi đó là cách nhanh nhất, tiện lợi nhất để giải quyết vấn đề.

Vụ cô gái tát CSGT: Cảnh tỉnh ý thức chấp hành pháp luật ảnh 1

“Con xin tòa giảm nhẹ, cho con tiếp tục đi học, đi làm giúp mẹ” - Linh nói trước khi tòa nghị án. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Giải pháp cho vấn đề này không gì khác hơn là phải đưa xã hội nói chung đi vào trật tự mà ở đó luật pháp phải đóng đúng vai trò của nó.

LÊ MINH TIẾN

Bài học cho nhiều người

Có một dạo các vụ chống người thi hành công vụ chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, các vụ còn lại thường chỉ bị xử phạt hành chính. Đây có phải là lý do mà các vụ chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng, nhất là ở Hà Nội?

Tôi không bàn cãi về mức án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt cô gái tát CSGT. Tôi chỉ đề nghị các nơi khác sẽ có cách xử lý nghiêm tương tự với bất kỳ ai vi phạm và hy vọng vụ án này sẽ là bài học cho những ai bạo gan dùng vũ lực chống những người đại diện cho pháp luật.

MINH HẰNG

Để nhiều người biết sợ

Đối với hành vi chống lại người thi hành công vụ, hình phạt trong các quy định của pháp luật còn quá nhẹ. Khi tòa án xét xử một số vụ, tôi có nghe anh em báo cáo là tòa thường tuyên phạt tù treo hoặc mức án rất nhẹ nên không đủ sức giáo dục và răn đe tội phạm. Trong vụ cô gái tát vào mặt CSGT, tôi cho rằng hành vi này phải bị bắt giam và xử phạt rất nặng đến mức người ta cảm thấy sợ pháp luật thì thôi.

Ông NGUYỄN ĐỨC NHANH,
Giám đốc Công an TP Hà Nội  (Theo VnExpress)

Theo tôi, mức án chín tháng tù giam dành cho bị cáo Linh là phù hợp. Đồng ý là em có hoàn cảnh rất đáng thương (cha mẹ ly hôn; em sống với mẹ và thiếu sự giáo dục của cha; em chưa tròn 18 tuổi, còn đi học…). Tuy nhiên, hành vi chống người thi hành công vụ của em là sai trái, là vi phạm pháp luật, cần bị trừng trị thích đáng.

Nếu Linh thật sự biết ăn năn hối cải thì sau khi ra tù em vẫn có thể làm lại từ đầu và trở thành công dân tốt.

tranchinh_vt@...

Hãy cho cô gái một cơ hội!

Phiên tòa sơ thẩm xử cô gái tát CSGT đã tạm khép lại với mức án chín tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ tấn công và cản trở CSGT đang làm nhiệm vụ, đây là bản án nghiêm khắc có sức răn đe khá mạnh.

Có người nói vui “ba cái tát, chín tháng tù, tính ra mỗi cái tát trị giá ba tháng tù”. Theo ý tôi, mức án chín tháng tù giam là quá nghiêm khắc so với hành vi có tính chất bột phát, xốc nổi của một cô gái chưa thành niên, hay ngất xỉu khi bị xúc động mạnh. Hơn nữa, bị cáo - cô gái có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và có đến hai tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải). Theo luật, với những điều kiện này, bị cáo có thể được hưởng án treo.

Trong vụ việc này, tiến trình tố tụng sẽ còn có thể được tiếp tục với phiên tòa phúc thẩm nếu có kháng cáo của phía bị cáo hay kháng nghị của VKS. Vì thế bản án chín tháng tù giam với cô gái trẻ có thể được xem lại theo hướng tạo điều kiện cho cô sửa sai mà không nhất thiết phải tạm thời cách ly cô khỏi xã hội trong một thời gian nhất định.

Thái Thanh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm