Vụ học sinh bị tát 231 cái: Có nên khởi tố vụ án?

Vụ việc cô NTPT, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), phạt học sinh (HS) của lớp mình bằng hình thức bắt các bạn trong lớp tát liên tiếp vào mặt cháu HLN tổng cộng 231 cái, làm cháu N. phải nhập viện khiến dư luận phẫn nộ.

Em HS lớp trưởng lớp 6/2 (nơi em N. học) nói rằng việc tát bạn là do cô chủ nhiệm quy định từ trước và từng có 9-10 bạn bị tát vì nói tục nhưng bạn N. bị nặng nhất. 

Có dấu hiệu của tội hành hạ người khác

luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận định cô T. đã có hành vi đối xử tàn ác đối với cháu N., là một cháu bé đang độ tuổi mới lớn và còn là một người lệ thuộc mình. Việc cô đã buộc (và cùng với) HS trong lớp tát tổng cộng 231 cái vào mặt khiến cháu N. nhập viện gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho cháu N.

Hành vi của cô N. được thực hiện với lỗi cố ý. Do đó, dựa vào hành vi và hậu quả thì có căn cứ để khởi tố vụ án về tội hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS 2015.

Điều 140 BLHS quy định: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (nếu không thuộc các trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội đối với người dưới 16 tuổi hoặc đối với hai người trở lên thì bị phạt 1-3 năm.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, “đối xử tàn ác” được hiểu là hành vi gây đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói…, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ. Người bị hại phải có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội. Ví dụ như quan hệ lệ thuộc giữa thầy giáo với HS, giữa bác sĩ và bệnh nhân, giữa cán bộ quản giáo với phạm nhân…

Gia đình cháu N. xót xa trước sự việc đau lòng của con mình. Ảnh: MINH QUÊ

Tuy nhiên, việc đối xử tàn ác chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe. Việc đối xử tàn ác thông thường là phải lặp đi lặp lại với lỗi cố ý và kéo dài trong một thời gian nhất định. 

luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: “Tuy cô T. có dấu hiệu của tội hành hạ người khác nhưng nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô là quá nặng. Bởi về mặt ý thức chủ quan, cô T. chỉ muốn răn đe HS trong lớp, không có mục đích làm nhục hay hành hạ cháu N.”.

Một số chuyên gia luật khác cũng nhận định phải khởi tố một giáo viên là điều rất đau lòng, không ai mong muốn bởi nghề giáo là một nghề cao quý. Tuy nhiên, với cách hành xử của cô giáo như vậy, nếu đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cần một hình thức chế tài nặng để răn đe chung cho những trường hợp khác, góp phần cải thiện môi trường giáo dục còn quá nhiều tồn tại hiện nay.

Phải xử lý hành vi xúc phạm nhân phẩm

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, trong vụ này, nếu hành vi của cô T. chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình…). Theo đó, cô giáo có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Phạt học trò vì áp lực thành tích

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 19-11, cháu HLN (HS lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh) có nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ. Cô giáo T. đã đưa ra hình thức phạt bằng cách bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N. mỗi người 10 cái. Nếu bạn nào tát nhẹ, người bị phạt sẽ tát ngược lại 10 cái nên N. bị tát rất mạnh.

Khi bị tát cái cuối cùng, N. vừa đau vừa khóc buột miệng nói tục, cô T. đứng cạnh đã tát thêm một cái, tổng số N. bị tát 231 cái khiến em nhập viện trong tình trạng hai má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt.

Lý giải hành động của mình, cô T. cho rằng nhà trường đang xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo. Trong khi đó thành tích lớp 6/2 thường xuyên ở cuối bảng nên cô bị áp lực.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết cô giáo T. đã bị tạm đình chỉ công tác. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng việc cô giáo phạt HS như trên là không chấp nhận được và yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình có chỉ đạo xử nghiêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm