Vụ nhặt được 5 lượng vàng: Chị Mai kiện ai mới đúng?

Ngày 24-9, chị Phạm Tuyết Mai (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - người công nhân nhặt được 5 lượng vàng trong nhà máy rác) đã nộp đơn khởi kiện chị Nguyễn Thị Bích Ngân (phường 8, TP Cà Mau - người nhận là chủ sở hữu số vàng này và đã báo mất số vàng cách đây một năm về trước). TAND TP Cà Mau đang xem xét để đưa ra quyết định thụ lý giải quyết hay không. Cần nhắc lại rằng số vàng này hiện Công an TP Cà Mau đang giữ.

Chị Mai phải kiện ai mới đúng: Kiện (dân sự) chị Ngân hay kiện (hành chính) Công an TP Cà Mau? Dưới đây là các ý kiến với hai quan điểm khác nhau…

Ths DƯƠNG HOÁN, giảng viên khoa Luật hành chính ĐH Luật TP.HCM:

Kiện hành chính Công an TP Cà Mau

Xét về nguyên tắc thì nên kiện hành vi hành chính của Công an TP Cà Mau. Lý do là đến hạn hưởng quyền thì người nhặt được vàng phải nhận được phần mà mình được hưởng theo quy định pháp luật. Việc trì hoãn của công an là hành vi không hành động. Hành vi không giải quyết là hành vi hành chính của cơ quan tiếp nhận. Kiện cơ quan này vì họ có thẩm quyền này nhưng họ không thực hiện. Người nhặt được vàng đã thực hiện đúng quy định về nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, còn công an không làm đúng (không cho hưởng quyền khi đến hạn) là đã vi phạm. Việc hòa giải như đã làm là hỗ trợ thêm thôi chứ công an không có chức năng chia tài sản.

Kiểm sát viên ĐỖ VĂN HIẾU, VKSND TP.HCM:

Công an chỉ thi hành phán quyết của tòa

Công an giữ hộ tài sản và không có quyền quyết định tài sản của ai. Người nhặt vàng kiện người cho rằng bị mất vàng là đúng. Kiện để xác lập quyền sở hữu bằng một bản án. Công an là cơ quan quản lý nhà nước, không tranh chấp với các đương sự. Qua bản án của tòa, công an sẽ thi hành việc giao tài sản, cách thức giao, giá trị tài sản…

Chị Phạm Tuyết Mai (phải) đang kể lại chuyện nhặt được vàng. Ảnh: TRẦN VŨ

Ths NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, giảng viên khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM:

Kiện người mất vàng là đúng

Khi pháp luật thừa nhận quyền khởi kiện thì người dân có quyền chọn. Người dân có quyền lựa chọn con đường tố tụng để miễn sao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Trường hợp này, chị Mai kiện ra tòa yêu cầu xác lập quyền sở hữu cho mình đối với số vàng - vật do người khác đánh rơi, bỏ quên mà mình được hưởng theo quy định pháp luật. Do đó, trách nhiệm của tòa là phải thụ lý giải quyết, nếu từ chối thì phải có lý do chính đáng, rõ ràng.

Phân tích thêm về vụ việc: Ngày 16-9, công an mời hai bên hòa giải nhưng việc hòa giải bất thành. Chị Mai nói quyền sở hữu tài sản của chị đã được xác lập theo thời hiệu hưởng quyền. Chị Ngân thì nói không được, khi mất vàng tôi đã trình báo công an. Những đề nghị của chị Ngân không được chị Mai chấp nhận. Còn yêu cầu của chị Mai cũng không được chị Ngân đồng tình. Từ đây tranh chấp tài sản thuộc về ai phát sinh.

Trường hợp này, người dân không tranh chấp với cơ quan nhà nước mà là hai người dân tranh chấp với nhau. Do đó, chị Mai kiện chị Ngân là phù hợp. Theo tôi, chỉ kiện hành chính đối với công an nếu đến hạn và không có ai tranh chấp mà công an vẫn không giao tài sản cho người nhặt được theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này lại khác, khi đến hạn chị Mai được hưởng quyền nhưng chưa chính thức xác lập quyền sở hữu thì xuất hiện chị Ngân với những lập luận và lý lẽ riêng. Tranh chấp tài sản phát sinh, quyền sở hữu tài sản chưa được giải quyết rõ ràng thì phải để tòa giải quyết.

Theo Điều 241 BLDS (về xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên), khoản 2 Điều 25 BLTTDS (về thẩm quyền của tòa án) và Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTDS) thì tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này…

Công an không có quyền định đoạt tài sản là của ai, chỉ có thể mời đến để hòa giải như họ đã làm. Tranh chấp diễn ra và vụ việc được đưa đến tòa thì tòa xem xét, thụ lý, giải quyết. Sau khi có phán quyết của tòa thì công an sẽ căn cứ vào bản án có hiệu lực để quyết định giao tài sản cho ai, giá trị tài sản…

Chờ đợi một năm vẫn còn rắc rối

Năm ngoái, sau khi chị Mai nhặt được vàng, Công an TP Cà Mau đã đăng báo truy tìm chủ nhân của số vàng nhưng hơn một năm qua không ai đến nhận. Hết thời hạn một năm, Công an TP Cà Mau đã thống nhất xử lý số vàng này theo hướng giao cho chị Mai được hưởng hơn một nửa. Cụ thể, chị Mai sẽ nhận 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% của phần vàng còn lại sau khi trừ đi 10 tháng lương tối thiểu. Số vàng còn lại sẽ sung công quỹ nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi báo chí đăng tải thông tin thì chị Ngân xuất hiện cho rằng số vàng trên là của chị. Chị cũng trưng ra bằng chứng khi mất chị có trình báo và được công an lập biên bản ghi nhận sự việc, trong đó có nói đặc điểm số vàng giống số vàng mà chị Mai đã nhặt. Từ đó, công an chưa giao trả vàng cho chị Mai mà chờ xác minh. Ngày 16-9, công an cho chị Mai và chị Ngân gặp nhau thương lượng. Chị Ngân mong muốn nhận lại đầy đủ số vàng và sẽ cho chị Mai 10 triệu đồng. Chị Mai không đồng ý. Sau đó chị Mai khởi kiện chị Ngân nhưng tòa chưa thụ lý. Theo nội dung đơn kiện, chị Mai khẳng định số vàng phải thuộc về chị. Việc trả vàng lại hay không, trả bao nhiêu là quyền của chị. Chị không chấp nhận số vàng này thuộc chị Ngân như đã hòa giải ngày 16-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm