Xông mũi trị COVID-19 cho trẻ nhỏ: Những nguy hiểm cần biết!

Để trị và ngừa COVID-19 cho con gái 5 tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM, chọn cách xông mũi bằng nồi xông. Chị Mai hướng dẫn con gái ngồi yên, rồi kéo chăn trùm kín. Nước xông nóng làm cơ thể bé ướt đẫm mồ hôi.

Chị Mai nói: “Mấy lần đầu xông, tôi thấy con gái không sao nhưng khoảng 2-3 lần sau thì bé có biểu hiện mệt mỏi. Từ đó, tôi không dám xông cho con nữa”.

Không chỉ chị Mai, nhiều phụ huynh cũng chọn cách xông cho con bằng bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, một số người nhận xét, xông mũi họng hoặc xông cả cơ thể không giúp trẻ nhỏ khỏe hơn hoặc hết COVID-19. Trong khi đó, nguy cơ trẻ bị bỏng, ngạt thở… lại luôn thường trực.

Mới đây, tại Hà Nội, một bé trai sáu tháng tuổi nhập viện với tình trạng bị bỏng ở chân. Người nhà của bé cho biết trong lúc bế bé xông mũi họng thì không may bị bỏng nước sôi.

Trao đổi với PLO, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết trẻ từ 2-3 tháng tuổi không được xông, phải từ 12-13 tuổi mới có thể xông. Bởi, phổi của trẻ con còn yếu, khí nóng từ nồi xông có thể làm trẻ nghẹt thở, mất sức, bỏ ăn uống... Bên cạnh đó, việc xông thuốc bằng nồi xông sẽ làm trẻ toát mồ hôi, mất khí, làm tổn thương cơ thể non nớt của trẻ. Có trường hợp bỏng da do sức nóng của nồi nước xông hoặc chết ngất do hơi nóng.

Trẻ em cần điều trị  COVID-19 theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ảnh: NGỌC LÀI

Lương y Nguyễn Xuân Hướng nói: “Xông bài thuốc dân gian cũng không có tác dụng chữa COVID-19. Nó chỉ có tác dụng với cảm cúm (cảm lạnh, lên cơn sốt run, người ớn lạnh, không ra mồ hôi) thông thường, còn bệnh COVID-19 là cảm nhiệt, không nên xông. Người đang sốt cao, tiết mồ hôi mà xông là rất nguy hiểm”.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng hàng ngày, trong đó trường hợp trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng lên. Bộ Y tế cho biết số trường hợp mắc COVID-19 nhóm dưới 12 tuổi đang có sự gia tăng.

Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).

Bé trai bị bỏng trong lúc xông mũi họng. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.

Theo “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19” do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Đồng thời, trong hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng khẳng định cha mẹ không nên xông cho trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm