Xử lý mâu thuẫn vặt: Cả hệ thống cùng “chạy”

Hiện nay phường phải ôm đồm cả “núi” công việc từ cấp trên dội xuống. Ngoài ra nhiều ông chủ tịch phường còn đau đầu bởi hằng ngày phải xử lý hàng tá việc xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng của các hộ dân như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh (xem thêm bài “Chó cắn nhau, mèo gào đêm cũng kêu phường” số ra ngày 14-8). Tại sao mọi việc cứ đổ lên đầu phường như thế?

Các tổ chức chính trị-xã hội cần vào cuộc

Theo tôi, vì phường là cấp cơ sở, mọi việc “thượng vàng hạ cám” người dân đều muốn đến phường đòi làm cho ra lẽ chứ không thể lên quận hay đi chỗ nào khác được. Tuy nhiên, không thể giao khoán hết cho ông ủy ban phường. Các tổ chức chính trị xã hội khác đều phải vào cuộc. Chẳng hạn, trước khi ủy ban giải quyết, người làm công tác trong hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, thậm chí ông già làng (hay hội người cao tuổi), ông tổ trưởng dân phố… cũng phải xắn tay vào. Có như thế, những mâu thuẫn nhỏ nhặt ấy mới bớt đổ dồn lên ủy ban phường.

Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng theo luật hiện nay, tổ dân phố chỉ có tính chất hỗ trợ chứ chưa có tính pháp lý để giải quyết. Theo quan điểm của tôi, tổ dân phố cũng phải có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc của phường. Tại sao ông lại là tổ trưởng dân phố? Một là ông có thể được phụ cấp, hai là được tín nhiệm thì người ta bầu. Tuy nhiên, để ông tổ trưởng dân phố làm hết mình, giải quyết những mâu thuẫn của người dân thì ông cấp trên (cấp phường) phải biết.

Ngoài ra những người làm công tác hòa giải cũng rất quan trọng nhưng phải có uy tín. Với những mâu thuẫn không đáng đưa lên phường thì có thể ông cựu chiến binh phải tham gia, ông khuyến học cũng phải vào cuộc hay như bà trong hội phụ nữ cũng phải giải quyết được… Hiện nay chúng ta còn làm chưa tốt vấn đề này nên ông ủy ban phường phải ôm đồm.

Xây dựng tốt tổ tự quản

Tuy nhiên, theo tôi những giải pháp trên vẫn chưa đủ, cần có những giải pháp căn cơ hơn. Trước hết, việc phân cấp phải rõ ràng hơn. Có rất nhiều việc không thể giao cho phường mà phải trên quận giải quyết. Hoặc mô hình bí thư kiêm chủ tịch phường nên được mở rộng vì qua thực tế thí điểm cho thấy ở phường nào kiêm nhiệm hai chức danh này thì công việc phường đó tốt hơn, giải quyết nhanh hơn.

Mặt khác, ở đâu mà phong trào mạnh thì công việc cũng tốt hơn, không dồn lên phường. Bởi vì hai nhà hàng xóm xích mích với nhau thì ở dưới giải quyết là đủ. Cho nên xây dựng tổ, nhóm tự quản cũng là một biện pháp nhằm giảm thiểu thực trạng “trăm dâu đổ đầu phường”.

Vấn đề con người và cơ sở vật chất cũng cần phải đặt ra. Theo kinh nghiệm của tôi, những ông nào ở dưới tổ dân phố nhận tiền trách nhiệm 100.000-200.000 đồng thì cũng chỉ làm lấy lệ, có chăng là họ làm bằng cái tâm. Rõ ràng bao giờ cũng có tâm lý dồn xuống cấp dưới nhưng dồn xuống mà không muốn trao tiền, không muốn trao cơ sở vật chất thì thử hỏi làm sao không dồn việc lên phường được. Cạnh đó, phải mô tả công việc của từng chức danh cụ thể thì công việc mới nhanh chóng được giải quyết. Phường này với phường kia khác nhau, anh cảnh sát khu vực được phân bao nhiêu hộ và làm những việc gì, phải kê ra để xác định rằng anh làm đã hợp lý chưa...

PGS-TS BÙI ĐỨC KHÁNG, Học viện Hành chính Quốc gia (Cơ sở TP.HCM)

Đừng gây phiền hà đến người khác

Ở đây cần tính đến hai cách ứng xử: Theo văn hóa truyền thống và theo văn minh đô thị. Văn hóa truyền thống vốn coi trọng tình làng nghĩa xóm, người mới đến cần đi thăm hỏi hàng xóm để “trình diện” và làm quen, để qua đó các cư dân ở đây tiếp nhận mình vào cộng đồng. Làm được như vậy thì chắc là ít có chuyện phức tạp, mâu thuẫn xảy ra.

Còn theo văn minh đô thị, trong cuộc sống bộn bề, người dân sống ở một nơi nhưng hằng ngày từ sáng đến tối, mỗi người đi làm ở một nơi. Không thể bắt mọi người phải quen biết nhau, gắn kết với nhau, sống kiểu “tình làng nghĩa xóm” như ở nông thôn. Văn minh đô thị đòi hỏi mọi người sống theo đúng pháp luật, không được làm gì gây phiền hà đến người khác, làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Với tư cách là chính quyền địa phương, ủy ban phường cần kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Khi có xung đột thì trước hết cần xử lý theo luật, sau đó mới xét đến chuyện tình nghĩa. Có như vậy mới hy vọng dần dần hình thành được văn hóa và văn minh đô thị.

GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Cần công minh, sòng phẳng

Qua nhiều lần hòa giải, tôi nhận thấy hai bên đều nóng tính và cảm thấy khó chịu với nhau. Kinh nghiệm của tôi là trước hết cứ kéo ghế, rót nước mời họ ngồi xuống cái đã. Sau đó khuyên họ bình tĩnh, cho họ thời gian trình bày sự việc. Nghe xong thì mới thuyết phục, phân tích tình hình đúng sai. Đôi khi trong lời nói mình cũng phải vòng vo để cuốn họ theo mạch cảm xúc của mình nhằm tạo lòng tin, để khi mình nói họ phải nghe theo. Một điều quan trọng nữa, khi giải quyết mâu thuẫn trong dân, người cán bộ phải công minh và hết sức sòng phẳng, phân định đúng sai rõ ràng.

Ông NGUYỄN VĂN SỬ, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM

Đi sâu vào lòng dân

Là hòa giải viên lâu năm của xã, tôi luôn trăn trở làm thế nào mình có thể là chiếc cầu nối kết giữa bà con trong xóm lại. Điều đầu tiên tôi nghĩ là phải am hiểu rõ từng hoàn cảnh gia đình, tính cách của bà con để khi cần hòa giải tôi có thể dễ nói chuyện và thuyết phục bà con hơn. Khi xảy ra chuyện thì hầu như người nào cũng cho việc làm của mình là đúng và ai cũng có những lý lẽ riêng. Chính vì thế, người hòa giải phải đi tìm hiểu sự thật và thu thập những thông tin chính xác từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó phân tích, vạch ra cái đúng sai của từng bên. Riêng tôi, mỗi khi hòa giải vụ nào thì tôi sẽ kết hợp với hội phụ nữ, hội người nông dân, hội người cao tuổi để đi đến từng nhà của các bên giải thích, phân tích cho các bên hiểu, sau đó mới tổ chức buổi hòa giải.

Theo tôi, làm gì cũng phải giữ được thể diện cho các bên. Bên cạnh cái đúng sai của sự việc, phải hòa giải làm sao để giữ lại tình làng nghĩa xóm, để sau này ra vào gặp mặt còn chào nhau.

Ông PHAN VĂN NUNG, trưởng ấp Xóm Mới,
xã Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM

Làm gương tốt để mọi người noi theo

Người dân hay có thói quen so sánh giữa người này với người kia, khi họ thấy người nào tốt hơn thì họ sẽ làm và nghe theo. Do vậy ngoài những kỹ năng trong công tác hòa giải, hòa giải viên phải là người có tiếng nói trong lòng dân và được dân tín nhiệm. Thường thì những người hòa giải là các tổ trưởng trong khu vực vì đây là được người dân tin tưởng bầu ra. Bên cạnh những mối quan hệ tốt giữa bà con trong xóm, hòa giải viên phải mẫu mực trong gia đình, đặt được mình trong hoàn cảnh riêng của từng người nhất là những người đang cần sự hòa giải để hiểu và chia sẻ với những bức xúc của họ.

Bà VÕ THỊ HÀ, tổ trưởng tổ 29, phường 1, quận 10, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm