An toàn nhất chứ không phải đầy đủ nhất khi cách ly

Thời gian gần đây cộng đồng mạng chia sẻ về một số trường hợp người Việt Nam về từ nước ngoài, được đưa vào khu cách ly và có hành động chê bai, than khổ.

Nhiều người rất phẫn nộ, lên án gay gắt. Tuy nhiên, tôi hiểu phần nào vì sao họ như vậy. Có thể thấy đa số người Việt từ nước ngoài về thời điểm này là du học sinh, người kinh doanh, kiều bào… nghĩa là hầu hết có điều kiện vật chất tốt.

Cả nước phải chuẩn bị nhiều khu cách ly để đón người về từ nước ngoài. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Mức sống ở đâu thì tiêu chuẩn ở đó. Họ quen sống cao cấp hơn người khác, vào khu cách ly với điều kiện sinh hoạt tối thiểu, tất nhiên sẽ thấy khó chịu. Nếu bạn quen nằm trên cái nệm dày 30 cm, chăn mền mềm rũ, thơm tho, sạch sẽ, máy lạnh phà phà thì bạn cũng sẽ khó chịu thôi.

Tin chắc rằng ngoài những người đăng đàn than khổ còn rất nhiều người khác ấm ức trong lòng. Tâm lý bất mãn như vậy, làm sao có tinh thần, cơ thể khỏe để chống dịch cho được?

Có lẽ nguyên nhân chính là nhiều người trong số này đang mang một tâm thế chưa phù hợp. Họ nghĩ mình là nạn nhân, mình bị đì, bị người khác (hoặc xã hội) ép vào hoàn cảnh này. Họ thấy bất mãn, bất công và “tại sao tôi phải chịu thế này?”.

Họ quên mất là đâu có ai ép họ. Họ đi hay về đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của bản thân hoặc gia đình. Họ về Việt Nam thời điểm này là vì muốn bảo vệ chính cá nhân mình chứ chẳng vì ai khác. Còn quê nhà, dù trong hoàn cảnh lo bệnh dịch, thiếu thốn cơ sở vật chất mọi mặt, tứ bề áp lực vì ngày đêm căng sức, các cơ quan chức năng vẫn đón họ về trong điều kiện an toàn nhất có thể. Xin thưa là an toàn nhất chứ không phải đầy đủ nhất. Giữa thời dịch bệnh, an toàn chẳng phải là ưu tiên số một sao?

Rất nhiều nhân lực phải tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Các sinh viên y khoa được huy động. Ảnh: THANH TUYỀN

Quan trọng hơn cả, họ có thể là báu vật với gia đình nhưng hoàn toàn không phải là thượng khách của bất cứ ai khác trong thời điểm này để nghĩ đến bốn chữ “tiếp đãi long trọng”.

Ngay từ khi bước lên máy bay về Việt Nam, họ nên nhận ra là mình may mắn về được, so với nhiều người muốn về mà cũng không được. Về đến nơi, họ được giúp đỡ ngay khi đặt chân xuống mặt đất. Sự tử tế, ân cần và giữ an toàn tối đa cho người về của các lực lượng phục vụ cách ly là món quà quý giá thực sự rồi.

Người sống trong khu cách ly cần có tâm lý thoải mái, vui vẻ, sinh hoạt lành mạnh. Ảnh: CTV

14 ngày này có lợi cho ai? Xin thưa, cho chính các bạn và gia đình bạn đấy. Nếu trả về ngay với chăn êm nệm ấm, chẳng may bạn mang sẵn mầm bệnh thì ai là người lãnh hậu quả trước tiên? Là cha mẹ, ông bà, cô chú, con cháu… trong nhà chứ còn ai. Cộng đồng thì nói sau đi.

Vậy ai cần 14 ngày này hơn ai? Lẽ ra các bạn phải biết ơn vô cùng vì được cách ly, được cung cấp chỗ ở để cách ly và sinh hoạt hoàn toàn miễn phí trong 14 ngày ấy. Chưa kể nếu bạn bị bệnh thì sẽ được chữa trị ngay lập tức. Nửa tháng trời với hàng ngàn con người tại các khu cách ly, bao nhiêu tiền của, nhân lực phải bỏ ra, các bạn tính thử xem.

Phần cơm đầy đủ chất dinh dưỡng trong khu cách ly. Ảnh: CTV

Hiểu rõ về tình hình hiện tại, vị trí và lợi ích của bản thân, người bị cách ly sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, không mang tâm lý “tôi bị hành xác” rất sai lầm ấy. Hãy trải qua 14 ngày cách ly một cách tự nguyện, tự giác, vui vẻ và nỗ lực cùng những bất tiện nhất định. Vì so ra cuộc chiến của rất nhiều người còn dài lắm, bạn thì chỉ 14 ngày thôi.

Với nhiều người, đợt chiến đấu này còn kéo dài. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử

Vấn nạn livestream bất chấp hoàn cảnh!

(PLO)- Vừa qua vụ việc nam thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử được bàn tán xôn xao trên nền tảng livestream. Hành động này được cho là thiếu tình người, gây bức xúc. Cần có giải pháp xử lý để loại trừ.

Thói ngụy biện

Thói ngụy biện

(PLO)- Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.