Bão lũ quét qua nhưng không ai dám làm từ thiện...

Video: Bão lũ quét qua nhưng không ai dám làm từ thiện...

Mưa lớn trong thời gian ngắn làm nước lũ tại nhiều tỉnh miền Trung lên rất nhanh, nhiều địa bàn bị chia cắt. Rất nhiều thiệt hại đã được ghi nhận. Nước lũ không chỉ cuốn trôi hoa màu và tài sản mà còn làm nhiều người chết và mất tích. Tính đến 8 giờ sáng 2-12 đã có 18 người chết và mất tích vì mưa lũ.

Mệt mỏi sau khủng hoảng sao kê

Mùa mưa năm trước, có rất nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Bên cạnh các cơ quan chính quyền thì có rất nhiều mạnh thường quân đến tận nơi giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong bão lũ ở miền Trung. Năm nay lại khác, hoạt động này rất yên ắng dù thiệt hại do mưa lũ vẫn đang xảy ra.

Cũng có thể do người dân hay các mạnh thường quân đang gặp khó khăn từ dịch COVID-19 nhưng lý do lớn hơn, có lẽ do thời gian qua nhiều người đã quá mệt mỏi với những ồn ào đòi hỏi sao kê trên mạng xã hội. Minh bạch trong từ thiện là một đòi hỏi đúng. Tuy nhiên, suốt một năm qua chắc hẳn có rất nhiều người bị rơi vào vòng xoáy của nghi ngờ khi làm từ thiện. Rất nhiều livestream (nói chuyện trực tiếp), nhiều dòng trạng thái (status) trên Facebook, hay làm những đoạn phim ngắn (clip) trên YouTube để réo gọi tên những người đã đứng ra quyên góp từ thiện, đòi họ sao kê để mong tăng tính minh bạch.

Người dân huyện Tuy Phước (Bình Định) di chuyển bằng ghe thuyền do mưa lũ vào ngày 30-11. Ảnh: TTXVN

Không loại trừ những trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để trục lợi nhưng hầu hết nhà hảo tâm đã làm việc rất trách nhiệm và tấm lòng trong sáng để nhiều hoàn cảnh éo le được cứu trợ kịp thời. Điều đó còn ý nghĩa hơn khi những người già, người nghèo, người neo đơn gặp khó khăn nhưng vì những hạn chế về phương tiện hay kỹ năng - như không có điện thoại thông minh hay không có Internet, không biết tìm kiếm thông tin - đã được các nhà hảo tâm tìm đến tận nơi để hỗ trợ.

Trước đây, khi chưa có quy định rõ ràng về hoạt động từ thiện, người ta thực hiện cứu trợ bằng cái tâm chứ chưa thể chuyên nghiệp và họ cũng chẳng nghĩ đến những rắc rối có thể gặp phải về sau. Và thực tế nhiều nghệ sĩ, nhiều người nổi tiếng sau khi đứng ra kêu gọi và thực hiện cứu trợ, giúp người xong đã và đang rất mệt mỏi với những lùm xùm này.

Hành động réo gọi đích danh trên mạng xã hội ảnh hưởng đến nhiều người nổi tiếng. Có người đã dành thời gian đến các ngân hàng sao kê và công bố tài khoản, một số khác làm đơn gửi đến cơ quan chức năng với những người có lời nói hay phát ngôn thái quá vô căn cứ, số khác lại chọn giải pháp yên lặng.

Tiếp nhận đơn, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra và kết luận có hay không việc ăn chặn tiền từ thiện. Những ai phạm lỗi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, những ai làm thực tâm minh bạch sẽ được minh oan. Trong lúc chờ đợi sự kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng, dường như những tấm lòng thiện nguyện đã ít nhiều bị tổn thương. Tôi tin chắc rằng giờ đây nếu có một ai đó đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung sẽ nhận ít nhiều ý kiến mang tính dò xét, thậm chí bị chỉ trích, dù có những người chỉ trích chưa từng biết đến quá trình hoạt động thiện nguyện của cá nhân kêu gọi hỗ trợ kia.

Chờ những người dấn thân

Mới đây, Nghị định 93/2021 ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 11-12-2021 yêu cầu cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện phải chuyên nghiệp hơn để tăng tính minh bạch. Chẳng hạn như cá nhân phải đăng ký với UBND cấp xã về việc quyên góp hỗ trợ; có trách nhiệm ghi chép đầy đủ về kết quả tiếp nhận, phân phối và phải được công khai trên các phương tiện truyền thông, gửi bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở 30 ngày… Điều này đòi hỏi người làm từ thiện ngày nay phải vừa có tâm thiện nguyện vừa có lòng kiên nhẫn để thực hiện các yêu cầu, dù mệt mỏi hơn nhưng điều đó là cần thiết.

Đoàn từ thiện hỗ trợ người dân miền Trung bị lũ lụt hồi tháng 10-2020.
Ảnh: Tư liệu

Dịch bệnh đã bào mòn tài sản trong mỗi chúng ta, mưa lũ thì chẳng chờ đợi ai, chúng vẫn đến hẹn lại lên đang ngày đêm gây họa cho đồng bào. Ngay lúc này, nhiều hoàn cảnh khó khăn đang chờ đợi những tấm lòng thiện nguyện - những con người dấn thân!

Còn chúng ta, những ai đang có đá trong tay thì xin hãy cất bỏ hòn đá đi (như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết). Bởi trong chuyện này, sau những cú ném đá thì người chịu thiệt nhất lại vẫn là người nghèo.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm