Cấm dịch vụ đòi nợ thuê và ý kiến chuyên gia

Ngày 17-6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó nội dung đáng chú ý là đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình nhưng thắc mắc muốn đòi nợ phải làm sao, bởi không phải ai cũng có thể tự mình đi đòi nợ được.

Thu hồi nợ là hoạt động bình thường

Việc đưa ra quy định cấm hành nghề đòi nợ thuê vì trong thời gian vừa qua có rất nhiều nhóm thu hồi nợ thuộc nhóm phạm pháp, xã hội đen, tạo ra hiệu ứng phản cảm. Cụ thể, có những trường hợp đòi nợ thuê xâm hại đời sống, sức khỏe của nhiều người.

Tuy nhiên, đó chỉ là một phần tiêu cực và chúng ta có thể nhìn nhận một điều là việc thu hồi nợ là một hoạt động rất bình thường của tất cả nền kinh tế.

Ở nước ngoài, ngành ngân hàng khi muốn thu hồi nợ thì cũng tìm đến các công ty thu hồi nợ. Bởi những công ty này làm chuyên nghiệp, họ có nhân lực và hoạt động tuân thủ luật pháp. Ví dụ ở Mỹ không có kiểu đòi nợ mà gọi điện thoại cho cả họ hàng để gây áp lực.

Nếu luật cấm hành nghề đòi nợ thuê thì cách tốt nhất là các chủ nợ phải tự đi đòi. Ngoài ra, người dân có thể nhờ đến sự trợ giúp của các cơ quan pháp luật.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính

Camera ghi lại một trường hợp con nợ bị các đối tượng tạt sơn trong đêm tại quận Tân Phú, TP.HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Có nhiều hình thức để thu hồi nợ

Khi dịch vụ đòi nợ bị cấm, chủ nợ vẫn còn nhiều hình thức khác để thu hồi nợ của mình.

Thứ nhất, chủ nợ có thể tìm đến các công ty, văn phòng luật sư để được tư vấn hỗ trợ. Thứ hai là chủ nợ khởi kiện ra tòa theo quy định của BLTTHS.

Hình thức thứ ba là bằng con đường hòa giải. Hình thức hòa giải hiện nay đã được rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh.

Do đó, hiện nay chúng ta không thiếu các phương thức đòi nợ đúng luật. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là sau khi thực hiện các hình thức trên thì đòi hỏi các cơ quan chấp hành pháp luật phải tuân thủ đúng thời hạn luật định và tích cực trong quá trình thu hồi nợ cho chủ nợ.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, ĐH Luật TP.HCM

Tuân thủ triệt để về thời hạn giải quyết vụ án

Theo Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định về điều kiện hành nghề kinh doanh đòi nợ rất chặt chẽ. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, các tổ chức đòi nợ đã có những biến tướng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đời sống xã hội.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp chiếm dụng vốn lẫn nhau nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, các bên chỉ có thể giải quyết bằng quan hệ dân sự. Trong khi đó, quá trình giải quyết tranh chấp dân sự bằng con đường tòa án thì kéo dài, thậm chí có trường hợp rất dài.

Nguyên nhân có thể từ phía các đương sự hay nhân sự của ngành tòa án, thậm chí có cả các yếu tố chủ quan, tiêu cực. Kể cả khi đã thắng kiện, để thi hành bản án cũng gian nan, mất nhiều thời gian.

Tòa án, cơ quan thi hành án cần phải tuân thủ triệt để về thời hạn giải quyết vụ án và chỉ có như thế mới giải quyết nhu cầu của xã hội. Một khi đã tuân thủ về thời gian giải quyết các vụ án dân sự thì vai trò, nhu cầu dịch vụ đòi nợ hẳn sẽ giảm, thậm chí là không cần thiết.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Người dân đồng tình ủng hộ

- Hiện nay, khi có tranh chấp xảy ra thì người dân thường gặp khó khăn trong quá trình tố tụng lẫn khi thi hành án. Cấm đòi nợ thuê là tốt nhưng cũng cần cải thiện tình hình giải quyết tranh chấp dân sự trong đòi nợ - bạn đọc Ngọc Anh.

Chúng tôi chỉ mong muốn khi cấm dịch vụ đòi nợ thuê rồi thì làm sao để chủ nợ lấy được nợ một cách đúng luật mà vẫn hiệu quả. Không còn chuyện tạt sơn, tạt mắm tôm, gọi điện thoại đe dọa, đưa ảnh lên Facebook… mà người ta vẫn trả nợ là cả một câu chuyện dài - bạn đọc Tú Lê

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm