Cha mẹ 'dọa ma' con, coi chừng bị pháp luật sờ gáy

“Chuột ơi, lại cắn bé này! Đừng đi qua đó, có ông cọp đây con! Con không ăn là ma bắt đây”...Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những lời dọa con của các ông bố bà mẹ. Chuyện dọa con cũng không phải là mới, hay nói đúng hơn đây là cách thông dụng để cha mẹ dọa khi con trẻ lười ăn hay khóc nhè.

Nếu xem xét hành vi trên ở góc độ pháp luật, các bậc phụ huynh có thể khá bất ngờ khi biết theo khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013, việc thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng. Như vậy, ngay cả trong trường hợp, bố mẹ hù dọa dẫn đến con bị sợ hãi, tổn thương tinh thần thì vẫn xử phạt theo quy định trên.

Còn ở góc độ xã hội, khi những vấn nạn xã hội ngày càng tăng như nạn xâm hại tình dục trẻ em, bắt cóc trẻ em, tai nạn đường phố… ám ảnh nhiều bậc phụ huynh.  Mong muốn được bảo vệ con mọi lúc mọi nơi, hạn chế triệt để khả năng con trẻ bị rơi vào những tình huống xấu, chúng ta càng dễ nhận thấy có rất nhiều bố mẹ càng “vĩ mô” quá những lời hù dọa. Không chỉ bằng những nhân vật không có thực, nhiều bố mẹ đã cho con mình xem những đoạn video có hình ảnh ghê sợ trên các trang mạng xã hội nhằm dọa đứa trẻ.

Hàng xóm của tôi là một gia đình có 3 đứa con nhỏ, bọn trẻ rất hiếu động. Cứ mỗi buổi chiều chúng đi học về là thi nhau chơi đá bóng, quên cả việc ăn uống. Và y rằng, một lát sau tôi lại nghe mẹ bọn trẻ mở phim ma lên, với những âm thanh rùng rợn, bọn trẻ hoảng sợ và chạy hết vào nhà, ngồi liu ríu. Có thể, với người mẹ ấy đây là cách hữu hiệu để những đứa con ngoan ngoãn ngồi vào bàn ăn.

Hay cho trẻ môi trường học tập vui chơi an toàn hơn những lời hù dọa vô hữu vô thực. ẢNH: TRÚC PHƯƠNG.

Thiết nghĩ cảnh báo trẻ tránh xa nguy hiểm là điều cần thiết, nhưng việc hù dọa con thông qua các nhân vật rùng rợn là điều không nên chút nào. Các chuyên gia tâm lý đã từng đưa ra cảnh báo rằng những đứa trẻ trưởng thành qua những lời dọa có thể trở nên rụt rè, thụ động, kèm theo đó là những chấn thương về tâm lý; với một số đứa trẻ còn có thể trở nên chai lì cảm xúc. 

Vì vậy, thay vì cứ mãi bảo bọc con trong những lời hù dọa, các bậc cha mẹ nên tạo nên sự tương tác, mối liên hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội, để bảo đảm cho trẻ có một môi trường học và chơi lành mạnh, an toàn. Và trên hết, bố mẹ hãy dành thời gian, kiên nhẫn giải thích cho trẻ những điều đúng, sai để thuyết phục trẻ tự nguyện nghe lời. 

Từ việc dọa con tưởng chừng như vô hại, xuất phát từ niềm mong mỏi muốn điều tốt nhất thời cho con cái (chịu ăn, chịu uống sữa, chịu ngồi yên trong một số tình huống...). Nhưng thực chất, những lời hù dọa lại mang đến hậu quả khôn lường cho trẻ nhỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm