Nhiều câu hỏi hóc búa trước khi tăng giá xăng dầu

Trước nguy cơ giá xăng phi mã cùng lúc thuế bảo vệ môi trường (BVMT) tăng kịch trần, độc giả đặt ra hàng loạt câu hỏi cho các nhà quản lý.

So sánh sao cho hợp lý?

Giá xăng trong nước còn thấp so với các nước trong khu vực nên phải tăng là điều khiến bạn đọc phản đối dữ dội nhất. Bạn Phung Quang Huy bức xúc: “Vậy mức lương của người dân quáthấp so với khu vực vậy sao các vị không tăng 10% cho dân nhờ?”. Bạn Dung Nguyen thì nói: “So vậy có biết giá xăng, sữa... Việt đang cao gấp đôi Mỹ?”. Độc giả Binh Lê dẫn chứng ngay: “Giá xăng ngày 24-8 ở nhiều TP của Canada tương đương 16.200 đồng/ lít nhưng thu nhập bình quân của dân nước này gấp 20 lần Việt Nam, thấy gì từ điều đó?”. 100% ý kiến bạn đọc phản đối kế hoạch tăng giá này, bạn An ngán ngẩm: “Với mức thu nhập hiện tại liệu dân có đảm bảo mức sống không?”.

Năng lượng thay thế đáp ứng chưa?

Nguyên do tăng giá để khuyến khích sử dụng năng lượng sạch càng bị phản đối kịch liệt. Một bạn đọc hỏi: “Tới nay Việt Nam đáp ứng đủ năng lượng khác thay thế chưa? Đừng giải quyết kiểu cái cày đi trước con trâu”. Đồng tình, bạn TTVH cũng chỉ ra lỗ hổng dễ thấy: “Khuyến khích dùng năng lượng sạch nhưng Việt Nam lại chưa sản xuất được linh kiện xe điện”.

Quỹ bình ổn giá, thuế BVMT có minh bạch?

Theo bạn đọc Đỗ Đặng, “trong giá xăng có phần đóng cho quỹ bình ổn giá, thực tế phần này dân đang chịu thiệt bởi bản chất là lấy tiền túi ứng trước cho quỹ” và như FlyHuy mỉa mai: “Quỹ bình ổn giá thu đủ mỗi lít nhưng giá vẫn tăng đều thì có ngược đời không?”.

Thuế BVMT cũng được xoáy sâu. Độc giả lấy tên 2Lua nói: “Tăng thuế BVMT nhưng có dùng phí đó để BVMT không, tổng thu từ xăng một năm được bao nhiêu, chi cho môi trường bao nhiêu, còn bao nhiêu có minh bạch không?”.

So sánh mức thu-chi thuế BVMT năm 2016 thì thấy chỉ mới chi khoảng 28,9% tổng thu. Bạn Hồng Đăng chất vấn: “Thu 10 chỉ mới chi ba, không phải thu không đủ chi sao phải tăng gấp 2-3 lần?”.

Chính sách ngược chủ trương?

Giá xăng có khả năng tiếp tục leo thang 

Doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vận tải cho biết họ thực sự đối mặt với bài toán sống còn nếu giá xăng tăng không điểm dừng. Bạn Huy Minh chỉ rõ: “Kinh tế những năm qua ì ạch nhích từng bước. Thuế này dân, DN chịu, chắc chắn dân nghèo đi còn DN sẽ chết nhiều hơn. Đề xuất này đi ngược với chủ trương của Chính phủ là giảm chi phí cho cộng đồng DN”.

“Thuế tăng kéo giảm sức cạnh tranh hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu, ta sẽ thua ngay trên sân nhà” - bạn Ca Nguyen cảnh báo. “Nền kinh tế, trong đó DN và người tiêu dùng đóng vai trò chủ chốt sẽ phát triển cách nào khi họ bắt buộc phải thắt lưng buộc bụng chặt hơn”, “sẽ ra sao khi các bộ, ngành tự cho mình quyền quyết định không nghe ý kiến người dân. Tình hình này sẽ lạm phát không kiểm soát” là ý kiến của bạn Long Giang Anh Bay.

Ở đâu thuế nâng cánh nền kinh tế?

Nguyên nhân thực sự của sự thâm hụt ngân sách, đẩy đến những chính sách được coi là “tận thu”, “khoan sức dân” là gì? “Đầu tư công không hiệu quả, tham nhũng tràn lan, thất thoát quá nhiều” - độc giả Trung nhận định.

Các bạn Lò Thị Chung, Giang, Quân Trần đều đồng tình: “Kế sách lâu dài là tăng giá trị của cải làm ra, sản xuất, kích cầu. Tăng thuế là hạ sách, ngược xu hướng phát triển”, “giải pháp này không kéo dài được. Thế giới có nước nào tiền thuế nâng kinh tế phát triển đâu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm