Những điều đáng sợ trong vườn thú

Gần như lần nào đi Sở Thú (TP.HCM) tôi cũng bắt gặp vài vụ con người gây nguy hiểm cho thú. Vụ việc thường xuyên gặp là việc phụ huynh cho trẻ đến chuồng dê, chuồng cừu và mua đồ ăn cho thú, do nhân viên vườn thú bán tại chuồng. Một phần đồ ăn gồm lá, cây, rau củ. Sau khi cho dê, cừu ăn mà còn dư, phụ huynh và trẻ đem số đồ ăn sang chuồng đà điểu gần đó cho đà điểu ăn luôn (!).

Cách nghĩ dê ăn được thì đà điểu ăn được, chim ăn được thì người ăn được, chó ăn được thì... là cách nghĩ sai lầm trong chăm sóc thú. Thậm chí không ít trường hợp du khách có cách nghĩ: Đồ ăn con người là đồ an toàn vệ sinh thực phẩm, cao cấp, có tiêu chuẩn hẳn hoi nên con vật khác cũng ăn được!

Có lần tôi gặp bọn trẻ cho dê và cừu ăn bim bim (snack). Tôi hỏi lịch sự: “Con ơi, con có ăn đồ ăn lá cây của bạn dê được không?”. “Không”. “Vậy sao con lại cho bạn dê ăn đồ ăn của con vậy?”. Bạn nhỏ còn chưa kịp suy nghĩ thì ba mẹ bạn ấy nhảy xổ tới: “Đây là đồ ăn của con người. Người còn ăn được thì dê, cừu ăn được!”.

Voi ăn mía được nhưng các con vật khác thì không. Vườn thú cần thông tin đầy đủ về việc thức ăn nào dành cho con vật nào. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Độc ác hơn, có những người lớn còn làm hư con nít bằng cách quăng bao nylon, rác, vỏ chuối, bánh mì dư, bắp… vô chuồng thú. Họ không phải muốn xả rác đơn thuần. Mục đích của họ là tiêu khiển với những con thú tội nghiệp. Sau màn quăng đồ là những màn bình luận: “Trời ơi, con này khôn ghê, nó hửi chứ nó không ăn!”…

Sự nguy hiểm của con người thì vô số ở trong vườn thú. Những con vật tội nghiệp bị nhốt trong chuồng, bị cách ly với thế giới bên ngoài bằng tường kính, lưới sắt B40, hào nước ngăn cách. Thế nhưng sự cách ly này đôi khi vô dụng trước con người. Nhiều con vật từng bị đau bụng, cháy lông, bị bệnh… vì cách đối xử tệ bạc của những người tham quan thiếu ý thức.

Nói đi thì cũng phải nói lại, có phần lớn lỗi là của đơn vị quản lý vườn thú. Một chuyện nhỏ mà họ có thể làm nhanh, làm ngay là cho in bảng to, rõ, đặt tại chuồng thú. Trên bảng cho biết con vật này ăn được những món gì và khuyến cáo rõ ràng không được cho thú ăn bậy. Ăn bậy nghĩa là ăn đồ mà nó không thể tiêu hóa được.

Đặc biệt, với những gói đồ ăn cho thú mà vườn thú bán cho khách, vườn thú phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ và khuyến cáo người mua về việc đồ ăn này có thể cho con vật nào ăn và không được cho con vật nào ăn. Việc này sẽ giúp thông tin đến người tham quan đầy đủ hơn, đồng thời tránh được việc gây hại cho thú.

Rất nhiều chuồng không ghi rõ nội dung nên nhiều người nghĩ hết sức đơn giản “con này ăn được, con kia cũng ăn được”, đem đồ bất kỳ thảy vô chuồng thú, báo hại mấy con vật tội nghiệp càng tội nghiệp hơn.

Đặc biệt, khi đơn vị quản lý vườn thú đưa ra bất cứ một thông báo “cấm” hay “đề nghị” hay “xin” nào thì cũng nên gắn thêm một bảng giải thích rõ hơn về lý do cấm. Ví dụ: Bạn ơi, cho thú ăn bậy, thú sẽ bị đau bụng... Bạn ơi, thú cũng biết buồn vui, xin đừng chọc ghẹo…

Bộ sách về Thảo Cầm Viên của ông Phan Việt Lâm giúp bé hiểu về vườn thú, yêu động vật, yêu cây cối...

Bố mẹ có thể mua bộ sách về Thảo Cầm Viên của ông Phan Việt Lâm để đọc thêm cho bé hiểu về vườn thú, yêu động vật, yêu cây cối...

Mùa hè rồi, nhiều trẻ sẽ thích đi tham quan Sở Thú lắm. Để thú cũng thích khách tham quan, chúng ta hãy dạy trẻ con cư xử tử tế với chúng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm