Thanh tra mà đi vòi tiền thì thanh tra cái gì

Trong tuần, các bài viết “Thanh tra Bộ Xây dựng “vòi” tiền: Phải làm rõ trắng đen”, “Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt giữ vì nhận hối lộ”… nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc.

Dân biết tin ai nữa đây?

Tuyến bài viết này thông tin về việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đến Vĩnh Phúc thanh tra theo kế hoạch tại một số huyện, TP thuộc tỉnh. Trong quá trình làm việc, đoàn thanh tra có biểu hiện vòi tiền lên đến hàng tỉ đồng. Công an tỉnh Vĩnh Phúc sau đó đã lập biên bản hành vi sai phạm của đoàn thanh tra này. Trưởng đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng là bà Nguyễn Thị Kim Anh bị bắt giữ vì có hành vi nhận hối lộ. Hiện bà đang bị tạm giữ tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Bạn đọc ManhHung bất bình: “Cán bộ thanh tra của bộ mà còn nhũng nhiễu, vòi tiền như thế thì thanh tra cái gì, chống tham nhũng kiểu gì. Bộ Xây dựng phải làm rõ vụ cán bộ thanh tra xây dựng vòi tiền này và có cơ chế kiểm tra chặt các đoàn thanh tra của mình”.

Từ sự việc này, nhiều bạn đọc tỏ ra nghi ngờ hiệu quả thanh tra trong xây dựng hiện nay. “Thanh tra xây dựng kiểu này nói sao sai phạm trong xây dựng tràn lan. Tình trạng các khu dân cư tự phát, chung cư, cao ốc xây trái phép… rất nhiều, gây dư luận không tốt trong thời gian qua” - bạn đọc T.Thu bày tỏ.

Bạn đọc Bieu Nguyen ngao ngán: “Người dân biết tin vào cơ quan nào nữa đây, khi chính người cơ quan chống tham nhũng lại đi tham nhũng. Cán bộ thanh tra được ví như là các vị quan thanh liêm, là thanh “bảo kiếm” để chống lại “sâu mọt”, nhằm bảo vệ sự trong sạch của chế độ. Ấy vậy mà những cán bộ thanh tra này đã bị đồng tiền làm mờ mắt dẫn đến đánh mất chính mình và mất niềm tin của nhân dân”.

Các bài báo thu hút nhiều bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Kiểm tra kiểu gì mà không phát hiện xăng giả?

“Vụ xăng giả Trịnh Sướng: Dân giảm tín nhiệm địa phương” cũng được nhiều bạn đọc quan tâm. Theo lời khai của bị can trong đường dây xăng giả của Trịnh Sướng, một lượng xăng lớn đã được bán ở Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng...

Bạn MinhNguyen bức xúc: “Hàng triệu lít xăng giả đã được bán ra thị trường trong thời gian dài mà các cơ quan chức năng ở địa phương không hay biết gì. Khi sự việc vỡ ra thì nói đã kiểm tra thường xuyên, tôi không hiểu kiểm tra kiểu gì mà không phát hiện ra?”.

Theo bạn TinhHung, chi phí để làm 1 lít xăng giả chỉ hết chưa đến 10.000 đồng, bán ra 20.000 đồng. Nhân con số lãi ấy với hàng triệu lít xăng thì lợi nhuận thu được khủng khiếp ra sao...

Bạn TanThanh đặt câu hỏi: “Hàng triệu lít xăng giả đã được bán ra, hàng triệu phương tiện, máy móc của người dân xài xăng giả bị hư hại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cơ quan chức năng không thể đứng ngoài chuyện này được”.

“Phí chia tay” bị phản ứng

Bài viết “Tranh cãi đề xuất thu “phí chia tay” 5 USD” cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc. Theo đó, ngày 12-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thêm một loại phí 3-5 USD, gọi là “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài.

Bạn đọc DongHoa phản ứng: “Đại biểu này nghĩ chắc ai xuất cảnh cũng là đại gia hay sao, “phí chia tay” này ông cho như bữa ăn sáng, chắc đại gia mới ăn thôi. Người đi làm văn phòng như tôi ăn sáng 3-5 USD, chắc nghèo luôn quá. Bắt chước nước ngoài mà bê nguyên si, không tìm hiểu thực tế đôi khi sẽ phản tác dụng”.

Bạn ThuThuy đặt hai câu hỏi: Khi đề xuất, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng có biết mức sống, thu nhập của Nhật thế nào với Việt Nam hay không mà đề xuất thu phí như vậy? Giờ đề xuất đi nước ngoài thì đóng “phí chia tay”, vậy sau này có đề xuất khi về nước có phải đóng “phí đoàn tụ, hội ngộ” hay không?

Theo bạn ThuyMai, nếu muốn quảng bá du lịch Việt Nam thì hãy kêu gọi người dân chấp hành tốt luật giao thông, không “chặt chém” du khách... Chứ bây giờ đề xuất “phí chia tay” để quảng bá du lịch mà các tệ nạn trên không dẹp được thì cũng bằng không.

Ủng hộ cấm tiệt đã uống rượu bia, không được lái xe

Sáng 14-6, với 408/450 đại biểu có mặt bấm nút tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Ngay sau khi bài viết “Quốc hội tán thành “cấm lái xe khi đã uống rượu bia”” đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

“Cấm tiệt là quá đúng. Ai muốn uống bia rượu khi đi giao tiếp này nọ thì cứ bắt Grab, xe ôm mà về. Xã hội sẽ bình yên” - Đồng Chinh

 “Quốc hội nên có giải pháp tốt cho vấn đề này, vì hiện nay pháp luật đã cấm người đi ô tô có uống rượu bia, cấm người đi xe máy có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép nhưng không đủ tính răn đe cho số người vô ý thức, xem thường pháp luật...” - Phạm Duy Tuấn 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm