Từ vụ thỉnh vong ở chùa Ba Vàng: Trách nhiệm của ai?

Câu chuyện thỉnh vong chữa bệnh cùng những từ mà dân gian gọi nôm na là như “oan gia trái chủ” diễn ra ở chùa Ba Vàng là câu chuyện có lẽ tốn nhiều nhất giấy mực những ngày qua. Rất nhiều phương tiện truyền thông từ báo chí đến các trang mạng xã hội; nhiều nhà nguyên cứu, nhà quản lý, nhà văn hóa và cả các vị chức sắc tôn giáo đã lên tiếng thống thiết về việc này; nhưng ai nói cứ nói, ai không nghe cứ không nghe.

Các hoạt động thỉnh vong ở Chùa Ba Vàng

Hiện trạng xã hội hiện nay về việc này đủ thấy tất cả những kêu gọi về vấn đề này như “nước đổ lá khoai” đối với một bộ phận người dân và một bộ phận tu sĩ lợi dụng vấn đề tâm linh trong phật sự. Đã đến lúc cần mổ xẻ tìm nguyên nhân đã gây nên tình trạng bát nháo này.

1. Trước hết, báo chí, các cơ quan truyền thông đã một thời suốt ngày thông tin hôm nay tỉnh này xây khu tâm linh bao nhiêu tỉ đồng, tỉnh kia xây chùa to nhất ra sao. Những cách đưa tin ấy làm cho những nơi vốn xưa nay chưa ai biết trở nên thần bí, thiêng liêng và tạo kích thích, tò mò cho nhiều người rằng trong đời phải tới đó. Vậy, việc đầu tiên phải làm có lẽ báo chí bớt đưa những thông tin kiểu này và tiến tới chấm dứt hẳn.

2. Mấy năm gần đây, tình trạng các vị quan chức giữ chức vụ lớn đến chùa, đến các lễ hội đã giảm hẳn. Tuy nhiên nếu để ý những năm trước chúng ta đều thấy rằng cứ nhìn lên ti vi sẽ thấy rất nhiều các vị quan chức lớn đến các lễ hội lớn của tôn giáo. Việc thăm viếng này hoàn toàn mang tính chất thông thường giữa chính quyền và tôn giáo, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo. Thế nhưng nếu những lãnh đạo của đất nước đến vào giờ, ngày khai hội…sẽ làm cho nhiều người dân lại nghĩ khác đi, rằng nơi đó phải linh thiêng như thế nào các vị lãnh đạo cao cấp mới tới. Còn nhớ, Quốc sư chùa Phù Vân đã nói với vua Trần Thái Tông rằng: Phàm là người làm vua phải lấy suy nghĩ của thiên hạ làm suy nghĩ của mình. Câu ấy ngày nay có thể dịch sát rằng: Phàm là những người lãnh đạo phải hiểu tâm lý của đại bộ phận dân chúng. Đã đến lúc các cơ quan Nhà nước, các vị lãnh đạo cần khắc phục tình trạng này.

3. Chuyện tiền bạc, kinh phí để xây các khu khu du lịch tâm linh được cho biết là của tư nhân. Thực ra nếu không phải của tư nhân thì Nhà nước đâu thể có tiền để xây những công trình hoành tráng này, nếu có chắc chắn Nhà nước sẽ sử dụng để xây dựng các công trình khác có ý nghĩa thiết thực hơn như trường học, bệnh viện. Thế nhưng các cơ quan Nhà nước cũng không thể vô can trong vấn đề này như chuyện giao đất, thẩm định các dự án đầu tư…Tất cả những chính sách này thời gian vừa qua dễ làm cho một số người suy nghĩ rằng Nhà nước đang có sự thiên vị về tôn giáo.

Có nhiều vấn đề lớn phải sửa nếu muốn xây dựng và phát triển một nền văn hóa nhân bản, tiến bộ. Một xã hội mà đức tin bị lợi dụng, trở thành hàng hóa thì nó đã mất thiêng liêng và không có gì đáng tin cậy. Một xã hội mà nhiều người dân tin vào ma quỷ, thần thánh, cầu xin thì thật đáng báo động. Và, trách nhiệm này không của riêng ai.                                              

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm