Tuyên dương cho người đi xe đạp, tại sao không?

Chúng ta đã có một số giải pháp như xây thêm cầu vượt và mới đây là việc ra quân làm thông thoáng vỉa hè để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đồng thời vào năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND năm TP trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) thí điểm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng và khuyến khích người dân đi xe đạp. Cách đây không lâu, Sở GTVT và Thành đoàn TP.HCM cũng đã phát động cán bộ, nhân viên trong cơ quan sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển trong cự ly ngắn.

Việc khuyến khích người dân, mà trước hết là giới cán bộ, công chức đi bộ hay đi xe đạp đến cơ quan làm việc là một ý tưởng tốt vừa giúp giảm bớt tình trạng kẹt xe do giảm bớt được lượng phương tiện tham gia giao thông, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và gia tăng sức khỏe cho nhiều người. Nhưng để khuyến khích được nhiều hơn nữa số người đi bộ, đi xe đạp, chúng tôi cho rằng nhà nước cần phải tạo cơ hội và tiện ích cho những người đi bộ và đi xe đạp.

Tạo cơ hội, đó là nhà nước phải làm sao cho người dân thấy mình có thể đi bộ và đi xe đạp một cách thoải mái nhất, tức là phải có vỉa hè thông thoáng dành cho người đi bộ, có làn đường dành riêng cho người đi xe đạp. Nếu chúng ta khuyến khích người dân đi xe đạp nhưng buộc họ phải lưu thông chung với các phương tiện cơ giới thì sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị tai nạn. Ở các nước phát triển, người ta có làn đường riêng dành cho việc di chuyển bằng xe đạp chứ không như ở nước ta, người đi xe đạp phải đi chung với các loại phương tiện khác. Việc chính quyền lập lại trật tự vỉa hè, tạo thuận lợi cho người đi bộ là một việc làm đáng khích lệ vì nó tạo cơ hội đi bộ an toàn cho những người đi bộ.

Còn về tiện ích dành cho người đi bộ, đi xe đạp hay nói chung là dành cho những người đi đến nơi làm việc không bằng phương tiện cơ giới cá nhân, thiết nghĩ các công ty, cơ quan và nhà nước nên tuyên dương nhằm khuyến khích những người này. Chúng ta có thể sử dụng kinh phí từ tiền phạt những hành vi vi phạm giao thông, lấn chiếm lòng lề đường hay những nguồn khác để làm quỹ khen thưởng. Cũng nên cho phép thành lập hiệp hội người đi bộ, đi xe đạp và xe buýt để họ nhận được nhiều tiện ích hơn và nhất là không cảm thấy mình bị “lẻ loi” khi không dùng các phương tiện cơ giới. Chẳng hạn như ở TP Toulouse (Pháp) có hiệp hội “Hai chân, hai con đường: Đi bộ và xe đạp” (Deux pieds, deux roues: La marche et Le vélo) được thành lập từ năm 1981 nhằm bảo vệ quyền lợi cho người đi bộ và đi xe đạp.

Lâu nay chúng ta chỉ mới kêu gọi, khuyến khích chung chung mọi người nên đi bộ, đi xe đạp hay dùng các phương tiện công cộng nhưng chưa có những cơ chế khuyến khích, tạo sự thuận lợi. Có lẽ vì vậy mà kết quả không đạt được như mong đợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm