Bán xăng dỏm: Phạt như thế không ăn thua!

Vụ việc này từng gây chấn động dư luận cách đây hơn hai tháng, khi hàng trăm người dân mua xăng tại đây dẫn đến xe không chạy được đã quay trở lại bao vây, đòi làm rõ việc bán xăng kém chất lượng của chủ cửa hàng. Sự bức xúc này đã nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước, khi mà Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực từ năm ngoái nhưng tình trạng ô tô, xe máy tự dưng… bốc cháy với nghi can số một là xăng dỏm vẫn thách thức năng lực của các cơ quan nhà nước, đe dọa tài sản, tính mạng người dân mỗi ngày.

Thế mà một chủ cửa hàng lừa dối khách hàng, bị người tiêu dùng la ó, bị cơ quan chức năng bắt quả tang với 10.300 lít xăng trôi nổi, kém chất lượng, lại chỉ lãnh mức phạt hành chính nhẹ hều, không bị xử lý nghiêm khắc bằng pháp luật hình sự!

Ai cũng biết BLHS có một điều khoản rất mạnh trong việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng (Điều 162: Tội lừa dối khách hàng). Theo điều này, người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng… thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lời bất chính lớn phạt tù 2-7 năm.

Hơn một năm trước, điều luật này đã từng được các cơ quan bảo vệ pháp luật Hà Nội sử dụng khi phát hiện Nguyễn Thế Lộc (chủ cây xăng xóm 7 đường Phạm Văn Đồng, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm) dùng chip điện tử bớt xén lượng xăng bơm ra cho người mua. Ngay lập tức chủ cây xăng và các nhân viên đã bị bắt giam, bị truy tố ra tòa theo Điều 162 BLHS khiến cho các chủ cửa hàng xăng khác chùn tay khi có ý định bớt xén quyền lợi của khách hàng.

Với việc chỉ xử phạt hành chính một hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng với số lượng lớn (trên 1 vạn lít xăng dỏm kém chất lượng) thì rõ ràng người dân chưa thể yên tâm.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm