Bảo hiểm: "Gậy chống lưng" cho y bác sĩ?

Ngày 4-4, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh (gọi tắt là BHNN) và bảo hiểm tài sản cơ sở y tế.

Nói một đằng, làm một nẻo!

Tại hội thảo, một đại biểu cho rằng trong hợp đồng BHNN có quá nhiều thuật ngữ khó hiểu và có thể gây bất lợi cho người tham gia. Ví dụ, BV đã tiếp hai công ty, trong hợp đồng ghi nội dung bảo hiểm xảy ra khi có sự cố y tế và sự kiện tổn thất, trong khi Nghị định 102 nói là sai sót chuyên môn hay sai sót y khoa. Ngoài ra, nhiều công ty khi chào mời mua sản phẩm thì nói hay nhưng khi sự cố xảy ra thì “nói một đằng, làm một nẻo”!

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cho rằng đúng là có tình trạng này. Lý do là có quá nhiều công ty bảo hiểm ra đời, cạnh tranh khốc liệt, thị phần ngày càng giảm khiến họ hạ mức phí mua, cung cách phục vụ và chất lượng giữa các công ty không giống nhau.

Còn vấn đề dùng thuật ngữ và quy tắc bảo hiểm, đa số công ty đều dựa trên những quy tắc, điều khoản của nước ngoài chưa Việt hóa được, do đó mặc dù nghe khó hiểu nhưng đảm bảo tính pháp lý cao. Cũng theo đại diện Bảo Việt, công ty sẽ cố gắng bám sát ngôn ngữ trong Luật Dân sự và sẽ giải thích kỹ có các đơn vị khi tham gia tư vấn, ký kết hợp đồng.

Bảo hiểm: "Gậy chống lưng" cho y bác sĩ? ảnh 1

Tai biến trong y khoa là điều không ai muốn, khi có sự cố xảy ra, dù có bảo hiểm hay không, y bác sĩ hãy thể hiện hết tinh thần trách nhiệm đúng vai trò “mẹ hiền” của mình. Ảnh: TÙNG SƠN

Y bác sĩ phải làm hết trách nhiệm!

Nghị định 102/2011/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 quy định: Đến hết năm 2012, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức BV bao gồm BV đa khoa, chuyên khoa, BV y học cổ truyền phải mua BHNN. Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức khác thì lộ trình mua đến hết năm 2017.

Mới đây, qua thương lượng, Bảo Việt đã chi trả bảo hiểm cho một vụ khiếu nại tại BV Nhi Trung ương với mức 75 triệu đồng. Được biết BV này đã mua bảo hiểm cách đây năm năm. Tại TP.HCM, BV quận Bình Thạnh cũng đã mua cách đây hai tháng.

Nói về vai trò của công ty bảo hiểm đối với BV và bệnh nhân, ông Phan Thanh Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cho rằng bảo hiểm là “gậy đỡ lưng” cho cơ sở y tế, bao gồm y bác sĩ. Thời gian qua, khiếu nại liên quan đến y tế tăng nhiều nhưng chỉ những vụ việc nhỏ và cơ sở y tế phải chi trả bằng tiền túi do không mua BHNN. Với BHNN, bác sĩ sẽ yên tâm hơn khi hành nghề. Tuy nhiên, BS Phan Văn Báu lưu ý: “Các công ty bảo hiểm là nơi đền bù về vật chất, nếu cơ sở y tế, y bác sĩ vi phạm chuyên môn vẫn bị xử lý theo quy định của ngành y tế”.

“Việc có bảo hiểm hay không bảo hiểm, khi xảy ra tổn thất, các cơ sở y tế, bác sĩ cần làm hết trách nhiệm. Tránh trường hợp khi xảy ra tổn thất, khiếu nại, cơ sở y tế bảo rằng đã có bảo hiểm nên mời bảo hiểm đến làm việc, chúng tôi không biết. Việc giải quyết khiếu nại có tốt đẹp, có nhanh chóng hay không hoàn toàn dựa vào các bên, trong đó các cơ sở y tế rất quan trọng, không nên phó mặc hết cho công ty bảo hiểm” - ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Giám định bồi thường, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, nói.

Cũng theo lãnh đạo Bảo Việt, khi xảy ra sự cố, công ty bảo hiểm sẽ cùng cơ sở y tế gặp gỡ bệnh nhân hoặc thân nhân của họ để tìm mọi cách xoa dịu nỗi đau chứ không phải lúc đó mò tìm lỗi này thuộc hay không thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Kết luận của Hội đồng Khoa học Sở Y tế, Bộ Y tế mới chính là cơ sở bồi thường.

. PV: Trường hợp nào được bảo hiểm bồi thường, trường hợp nào không, thưa bà?

+ Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA: Với sản phẩm thông thường, chỉ bảo hiểm các tai biến do sai sót chuyên môn của y bác sĩ. Nhưng chúng tôi còn bảo hiểm thêm các tai biến trong khám và chữa bệnh không do sai sót chuyên môn của y bác sĩ. Ví dụ trong vụ việc 22 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể mổ phaco tại BV Mắt TP.HCM bị nhiễm trùng, không thấy ánh sáng do chất chỉ thị màu bị nhiễm khuẩn, chúng tôi vẫn bảo hiểm. Chúng tôi chỉ không chi trả tiền bảo hiểm cho những hành động cố ý, thiếu trung thực, ác ý, hành động tội phạm, phạm pháp hoặc trái pháp luật liên quan đến y đức.

. Trường hợp một bệnh nhân được chỉ định mổ chân phải nhưng bác sĩ lại mổ chân trái thì có được bồi thường không? Ai sẽ chi trả?

+ Trong trường hợp trên, chúng tôi sẽ bồi thường vì đó là hành động bất cẩn, nhầm lẫn trong nghiệp vụ chuyên môn do y bác sĩ thực hiện.

. Một y bác sĩ sẽ phải đóng bao nhiêu phí/năm và mức bồi thường tối đa là bao nhiêu, thưa bà?

+ Sản phẩm của chúng tôi chia ra ba đối tượng: BV công, BV tư và cá nhân y bác sĩ. Nếu là cá nhân y bác sĩ, phí phải đóng dao động từ 5,5 triệu đến 7,7 triệu đồng tùy theo tính chất công việc đang làm. Ví dụ: Y bác sĩ thuộc khoa tim mạch thì phải đóng phí cao hơn một y bác sĩ thuộc khoa da liễu và mức bồi thường tối đa cho một thời hạn bảo hiểm là 1 tỉ đồng.

+ Ông Phan Thanh Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt: Mức phí khá phức tạp và tập hợp nhiều yếu tố. Chúng tôi tính mức phí từ 700.000 đến 3 triệu đồng/năm/bác sĩ, tùy vào điều kiện BV, đó là cách tính chung trong điều kiện hiện nay. Mức bồi thường là 300 triệu đồng/vụ và tối đa là 5 tỉ đồng/năm/BV. Tuy nhiên, cũng tùy vào yêu cầu trách nhiệm của từng cơ sở sẽ có cách tính khác nhau.

. Xin cảm ơn ông, bà.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm