Bảo vệ môi trường: Dân phải được trao quyền nhiều hơn

Tại hội thảo Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) do VCCI vừa tổ chức, các đại biểu đã đưa ra khá nhiều giải pháp để việc BVMT có hiệu quả tốt hơn.

Theo TS Nguyễn Văn Phương, Tổ trưởng bộ môn Luật môi trường, khoa Pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, vai trò của cộng đồng trong BVMT rất quan trọng nhưng cơ chế hiện nay còn nhiều bất cập. Mặc dù các quyền tham gia ý kiến, quyền về không đồng ý triển khai dự án hoặc không đồng ý về các biện pháp BVMT của công dân đều có quy định nhưng do đặc trưng của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có tính chuyên môn cao mà cộng đồng dân cư lại không có sự hỗ trợ nào nên khó có thể góp ý. “Vì vậy, cần có cơ chế đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập, thẩm định và giám sát thực hiện các báo cáo ĐTM. Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể những trường hợp phải tổ chức đối thoại giữa chủ dự án với cộng đồng dân cư; quy định về các hình thức phản ứng của cộng đồng như tuyên truyền không sử dụng sản phẩm của DN gây ô nhiễm…” - TS Phương nêu khuyến nghị.

TS Phương cũng cho rằng nên sửa đổi Luật BVMT theo hướng xã hội hóa hoạt động thẩm định. “Thay vì để cơ quan có thẩm quyền thẩm định quyết định việc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM thì trao cho chủ dự án được lựa chọn việc này để tránh tình trạng tạo ra những DN sân sau của cơ quan nhà nước. Song song đó, luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và tổ chức dịch vụ thẩm định đối với kết luận của mình” - TS Phương nêu giải pháp.

Trong kiến nghị chính sách thương mại về môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM) cũng đề nghị điều chỉnh danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM theo hướng chỉ những dự án có quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và tài nguyên như dự án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy thủy điện, điện hạt nhân… mới cần báo cáo ĐTM. Thay vào đó, áp dụng phương pháp ký quỹ cam kết xử lý ô nhiễm môi trường đối với các dự án đầu tư không cần báo cáo ĐTM. Các DN không phải lập báo cáo ĐTM mà có chất thải có thể gây ảnh hưởng đến môi trường sẽ phải đưa ra phương án xử lý môi trường cụ thể và gửi đến cơ quan quản lý môi trường địa phương trước khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm