Barie trên vỉa hè: Bỏ thì khó, giữ thì sai!

Việc thí điểm gắn barie trên vỉa hè một số con đường ở trung tâm TP nhằm mục đích ngăn người đi xe máy leo lề, từ đó xây dựng ý thức tôn trọng luật giao thông xuất phát từ động cơ tốt nhưng hiệu quả lại không như mong muốn.

Sau một thời gian xuất hiện, các barie này bị phản đối nhiều hơn ủng hộ. Đáng nói hơn cả là nó không thể ngăn được “quyết tâm” vượt rào của một bộ phận người vẫn luồn lách leo lề bằng mọi giá.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ bởi vấn đề này đang nhận được sự quan tâm và bàn luận sôi nổi của người dân.

Bỏ barie thì luật càng bị coi thường

Theo ý kiến của một số bạn đọc gửi về báo Pháp Luật TP.HCM, đúng là gắn barie là việc chẳng đặng đừng nhưng nó thực sự cần thiết.

“Không có barie thì xe tràn lên lề, người đi bộ đi ở đâu? Thử làm thống kê có bao nhiêu người đi qua, bao nhiêu người bị ngã. Tính xem thống kê khi không có barie, có bao nhiêu người đi bộ an toàn và bao nhiêu xe máy phóng qua. Làm sao pháp luật nơi đó được tôn trọng khi không có barie?”, là ý kiến của độc giả Phan.

Theo bạn phân tích, việc gắn barie là để bảo vệ phần đường dành cho người đi bộ. Muốn xác định lợi hại giữa gắn và không gắn barie cần có thống kê, thông số cụ thể mới có thể kết luận.

Trong nhiều bình luận gửi về có thể thấy phần lớn bạn đọc nhận ra sự bất đắc dĩ của cơ quan chức năng khi ban hành biện pháp này. Dù luật quy định rõ xe không được leo lề nhưng ý thức người dân quá kém, bắt buộc phải có thêm rào cản.

Có barie vẫn leo và... lách.

Việc người đi bộ bất cẩn vấp ngã là hi hữu trong khi có barie vỉa hè vắng bóng xe máy là điều thấy rõ. Như vậy, cần nhiều bên chung sức để giữ trật tự giao thông được tốt, không nên vì vài sự cố nhỏ mà phản bác toàn bộ phương pháp này.

“Nếu để bảng cấm câu cá 80% người dân không câu, nếu biết không được chiếm dụng lòng đường 90% người dân tuân thủ thì TP đâu cần đau đầu nghĩ cách ngăn chặn khác. Vấn đề là người phạm luật lại đông hơn hẳn người làm đúng nên mới phải thêm một lớp chặn nữa” - độc giả Phương Nga góp ý.

“Đề nghị gắn camera hoặc bố trí dân phòng phạt nguội, đăng ảnh lên các trang báo đối với người cố tình vượt qua khoảng hở barie. Bó tay trước những người này, người ta đã gắn barie mà vẫn cố tình chạy…” - bạn đọc Giang Thành Danh ngao ngán nói.

Một người "quyết tâm" vượt barie.

Bên cạnh đó, cũng có bạn đọc chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến xe máy phải leo lề là hiện tượng ô tô quá nhiều. Người lái ô tô thiếu ý thức, dàn hàng giành hết đường đi bất chấp quy định, “hất” người đi xe máy lên vỉa hè. Giải quyết việc ô tô giành đường thì sẽ ổn định được phần lớn các vấn nạn giao thông khác là ý kiến của các bạn Chinh, Nguyen Due, Như Kha

Gắn barie có thể là một giải pháp cứng nhắc nhưng cần phải làm trong thời điểm này để chống lại sự vô ý thức của một số người.

Luật đã có, đừng làm rối thêm

Ngược hẳn với luồng ý kiến trên là hàng loạt độc giả phản đối cách làm này. Theo bạn Lê Trung Tuấn, “khách du lịch sẽ nghĩ gì khi phải vượt chướng ngại vật trên vỉa hè? Mọi người nghĩ sao khi những hình ảnh này được chụp lại và chia sẻ trên toàn thế giới về TP?”.

Đồng tình, nhiều bạn đọc cho rằng barie gây mất mỹ quan đô thị nghiêm trọng và tự “bôi xấu” TP vì thừa nhận sự hạn chế cả về lực lượng quản lý, xử phạt lẫn sức mạnh của các biện pháp chế tài.

Thực tế, Luật Giao thông đường bộ đã có quy định rõ về việc xử phạt hành vi điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện đi trên hè phố bằng tiền. Như vậy cái cần ở đây là thực hiện việc xử phạt ấy thật nghiêm thì chắc chắn sẽ không còn người vi phạm.

Độc giả Hứa Văn Sang chỉ rõ: “Chỉ cần bố trí người có thẩm quyền xử phạt, trong trường hợp này là công an phường, theo Nghị định 46/2016. Người vi phạm sẽ tự động có ý thức chấp hành luật giao thông cho những lần sau. Túi tiền bị vơi đi thì ý thức sẽ đủ đầy”.

Trong ngày 15-2, hơn 100 người chạy xe máy trên vỉa hè đã bị xử phạt. Ảnh: MP

Ý kiến này nhận được rất nhiều sự đồng tình của bạn đọc. “Cứ phạt thật nặng xe leo lề là khỏi gắn barie cũng không ai dám leo. Sống ở thành thị nhưng tư duy lạc hậu, bất chấp luật lệ cứ thích là làm” là nhận xét của bạn Quốc Quang. Bạn đọc Minh Tuấn cũng thẳng thắn phản đối “đừng lãng phí xây dựng mấy cái thanh sắt đấy. Hãy bắt và xử phạt con người không có ý thức đi xe máy trên vỉa hè. Phải xử lý thật nghiêm để răn đe”.

Lý do giải pháp gắn barie bị phản đối kịch liệt một phần vì quy định này đã vô tình vi phạm quy định nguyên tắc của hoạt động giao thông là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả được nêu rõ trong Điều 4 Luật Giao thông đường bộ (LGTĐB).

“Trái luật rồi quý vị ơi, chế tài xử phạt đã có, người quản lý ở cơ sở là dân phòng, cảnh sát khu vực ở đâu, CSGT hãy phạt vào túi tiền của người vi phạm. Phải quan tâm mỹ quan đô thị, an toàn cho người già trẻ em, người khuyết tật ra sao” - độc giả Hồng Hà góp ý. Nhiều bạn đọc khác cũng bày tỏ lo ngại vì barie ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhóm người yếu thế trong xã hội là người già, người khuyết tật.

*

*                 *

Cần giữ vỉa hè an toàn, thuận tiện cho người đi bộ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giữ hay bỏ barie trên vỉa hè vẫn còn là câu hỏi khó trả lời, không chỉ đối với nhà chức trách mà ngay cả người dân bởi lựa chọn nào cũng có cái lợi, cái hại.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, xã hội đã có những thiết chế cụ thể cho từng vấn đề, kể cả quy định đối với nhà quản lý đô thị lẫn người tham gia giao thông. Việc gắn barie trên vỉa hè là chưa phù hợp vì ảnh hưởng mỹ quan, đi ngược tôn chỉ đảm bảo giao thông thuận tiện, thiếu công bằng đối với nhóm người yếu thế và thực tế hiệu quả rất hạn chế so với mục tiêu ban đầu đặt ra.

Quan trọng hơn cả là nên áp dụng các thiết chế pháp luật đã có, không nên đặt ra quy cách khác để áp dụng như một biện pháp cấm. Đánh trực tiếp vào túi tiền của người vi phạm sẽ là giải pháp tức thì và hữu hiệu hơn.

Chẳng phải ông bà đã nói “đồng tiền liền khúc ruột” đó sao! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm