Bất động sản hy vọng vào gói hỗ trợ 180.000 tỉ

Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) gần như rơi vào trạng thái ngủ đông. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) thu nhỏ quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa.

Do đó, mới đây việc BĐS được bổ sung vào đối tượng trong dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính trình Chính phủ được xem là tin vui lớn. Tổng gói hỗ trợ cho các ngành lên tới 180.000 tỉ đồng. Nhiều DN kỳ vọng nhờ gói hỗ trợ này trụ được qua khó khăn thì sẽ có thể bật dậy sau mùa dịch.

DN lao đao vì không có nguồn thu

Do tác động của dịch COVID-19, thị trường trầm lắng, các DN BĐS buộc phải trả mặt bằng, đóng cửa. Hàng loạt sàn môi giới đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực môi giới có tới 1/3 số sàn giao dịch phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết tình hình thị trường quý I-2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hằng năm. Lượng cung, giao dịch, tỉ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Cụ thể, đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới) mở bán đạt 53.000 sản phẩm nhưng giao dịch chỉ được hơn 7.600 sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asian Holding, lúc này DN đang phải bù lỗ vì không có bất cứ nguồn thu nào do các hoạt động mở bán dự án đều phải ngưng lại. Ông dự đoán tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là hết quý II-2020.

“Không có nguồn thu nhưng mỗi tháng DN vẫn phải chi tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng, tiền điện nước, bảo hiểm… hơn 1 tỉ đồng” - ông Hậu nói.

Không chỉ BĐS ngủ đông mà nhiều ngành liên quan khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Đại diện một công ty sản xuất vật liệu xây dựng cho biết do không có đơn hàng mới nên công ty tạm thời phải cho công nhân nghỉ chờ việc. Dù không có nguồn thu nhưng công ty vẫn phải trả lương cho công nhân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá dịch COVID-19 làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến DN bị mất thanh khoản. Tình hình khó khăn làm tăng chi phí đầu tư, lãi vay… khiến DN BĐS có thể bị chuyển thành nhóm nợ xấu, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động…

Gói cứu trợ các DN được xem là phao cứu sinh đối với ngành BĐS và nhiều lĩnh vực liên quan. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Phao cứu sinh cho ngành địa ốc

Ông Châu rất vui mừng vì kiến nghị hỗ trợ ngành BĐS mới đây đã được các bộ, ngành quan tâm và lắng nghe. Tin mừng là BĐS được bổ sung vào đối tượng dự kiến được giãn nộp thuế GTGT và tiền thuê đất trong gói hỗ trợ khoảng 180.000 tỉ đồng đã được trình Chính phủ.

Ông Châu cho rằng BĐS giống như hộ tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế. Đây là lĩnh vực có sự liên đới chặt chẽ với nhiều ngành nghề kinh tế khác. Sự hoàn thiện của một công trình, một dự án luôn luôn có sự góp mặt của nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau từ vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, cây cảnh, điện dân dụng đến các ngành dịch vụ như môi giới, quản lý BĐS.

“Vì vậy, DN được giãn gia hạn thuế, tiền thuê đất như có phao cứu sinh để phục hồi nhanh hơn sau khi dịch bệnh được khống chế. BĐS hồi phục sẽ kéo theo một lực lượng lao động khổng lồ cho nhiều ngành nghề khác” - ông Châu đánh giá. 

Thời điểm này theo ông Châu là cơ hội để các tập đoàn, DN có quỹ thời gian rà soát và thực hiện chiến lược tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. DN tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo bộ phận người dân. Như vậy, thị trường mới có thể phát triển theo hướng bền vững.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quan điểm không nên hỗ trợ ngành “nhà giàu” BĐS là một định kiến. Bản chất BĐS không phải sinh ra để phục vụ nhà giàu mà nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. BĐS không chỉ có các dự án cao cấp, nghỉ dưỡng mà còn là những dự án nhà ở xã hội, chung cư giá rẻ, nhà ở bình dân… Nếu BĐS không được cứu trợ thì cũng kéo theo các ngành khác chạm đáy.

“Chính phủ nên có gói hỗ trợ bơm tiền trực tiếp cho DN. Với các DN khó khăn, khoản tiền trực tiếp sẽ giúp họ trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuế, tiền lãi ngân hàng, cầm cự trong thời kỳ dịch ảnh hưởng. Một cách bơm tiền trực tiếp khác là thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. Các DN khó khăn có thể nhận tiền từ quỹ bảo lãnh tín dụng này” - ông Hiếu góp ý.

Theo dự thảo nghị định mới nhất, gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất được tăng từ hơn 80.000 tỉ đồng lên tới trên 180.000 tỉ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng DN, tổ chức được hưởng ưu đãi.

Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm hai ngành kinh tế cấp 1 gồm xây dựng, hoạt động kinh doanh BĐS và 11 ngành kinh tế cấp 2. Ước tính số DN được hỗ trợ lần này lên tới 98% tổng số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm