25 vi phạm về đất đai sẽ bị xử phạt

“Nghị định 102/2014 ra đời đã giải quyết được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vốn bị ngưng lại trong thời gian qua” - ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết tại cuộc họp triển khai Nghị định 102 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định này có hiệu lực từ hôm nay 25-12.

Theo Sở TN&MT, so với Nghị định 105/2009 (nay đã bãi bỏ), Nghị định 102 có nhiều điểm mới như quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với từng hành vi vi phạm; bổ sung các hành vi vi phạm mới, biện pháp khắc phục hậu quả; mức phạt tiền cao hơn… Cụ thể, trước đây Nghị định 105 có quy định hộ gia đình là đối tượng vi phạm pháp luật đất đai nhưng không quy định cụ thể về cách xử phạt. Trong khi đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức. Điều này đã gây ra rất nhiều lúng túng cho các cơ quan chức năng khi hộ gia đình vi phạm. Đến Nghị định 102 đã quy định rõ khi hộ gia đình hay cộng đồng dân cư có hành vi vi phạm thì được áp dụng xử lý như đối với cá nhân. Tùy theo mức độ, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 tỉ đồng.

Theo Nghị định 102, chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở sẽ bị phạt nặng. Ảnh: HTD

Theo Nghị định 102, có 25 hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt, trong đó có 16 hành vi của cá nhân và 25 hành vi của tổ chức (như chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm...).

Tại buổi triển khai, các quận, huyện cho rằng Nghị định 102 còn có nhiều điểm cần phải hướng dẫn rõ để địa phương không lúng túng khi thực hiện. Chẳng hạn như việc buộc đối tượng vi phạm nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm thì phải dựa trên cơ sở nào để xác định số lợi bất hợp pháp; căn cứ vào đâu để xác định thời điểm vi phạm… Sở TN&MT cho biết Sở sẽ tổng hợp các vướng mắc chưa được quy định rõ trong Nghị định 102 để xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN&MT.

   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm