Cảnh báo về hợp đồng 'lạ' mua bán căn hộ

Cụ thể, người tiêu dùng phản ánh họ và bên bán đã ký kết một số loại hợp đồng có tên gọi như “hợp đồng mua bán quyền căn hộ”, “hợp đồng chuyển nhượng tài sản”. Trong đó, đối tượng mua bán là dạng hợp đồng căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ chứ không phải quyền sở hữu.

Các hợp đồng này đều không căn cứ vào Luật Nhà ở, văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng hay hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng. Đáng nói, thời hạn sử dụng các loại căn hộ này trong hợp đồng là 50 năm.

Đối với dạng hợp đồng mua bán quyền căn hộ, trong hợp đồng chỉ đề cập đến các quyền sử dụng của người mua như quyền sử dụng căn hộ, quyền sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung... mà không đề cập tới quyền sở hữu cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua.

Đã có những trường hợp người dân mua phải dạng căn hộ nghỉ dưỡng/du lịch (condotel) nhưng tưởng nhầm là mua căn hộ chung cư thông thường. Đến khi về ở, họ mới biết đây là căn hộ condotel và rất nhiều bất cập phát sinh. Ví dụ như họ không được đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn tới những thiệt thòi trong việc học hành của con cái, hay việc khám chữa bệnh theo tuyến.

Đặc biệt cần lưu ý, trong trường hợp hợp đồng có những khái niệm gây khó hiểu hoặc lạ lẫm với người tiêu dùng như “căn hộ du lịch”, “căn hộ khách sạn”, “hợp đồng mua bán quyền tài sản”, “hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, “dự án không hình thành đơn vị ở”... thì bên mua cần yêu cầu đơn vị bán hàng giải thích và cung cấp cơ sở pháp lý, đồng thời tự mình tìm hiểu thêm thông tin qua nhiều kênh khác.

Đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý theo quy định, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi giao kết với người tiêu dùng. Vì vậy, để tránh trường hợp bên bán cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác về việc đăng ký, cục này khuyến cáo khách hàng cần xác minh lại chính xác bản hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua hay chưa.

Thứ nhất, tra cứu thông tin về hợp đồng được thông qua của chủ đầu tư (nếu có) trên trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương.

Thứ hai, tiến hành đối chiếu bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua (nếu có) với bản được chủ đầu tư cung cấp.

“Người dân lưu ý chỉ đặt cọc, ký kết giấy tờ hoặc hợp đồng mua bán với bên bán một khi đã hiểu rõ về đối tượng giao dịch và đã nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm