Cấp sổ nhà nhỏ hơn giấy phép: Có hướng dẫn vẫn tắc

Đầu tháng 3-2020, Pháp Luật TP.HCM đã có các bài viết phản ánh về rất nhiều trường hợp người dân tại TP.HCM xây nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng (GPXD) không thể hoàn công, đăng ký thay đổi tài sản trên đất lên sổ hồng. Sau đó, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) 24 quận, huyện để hướng dẫn. Sau khi sở có hướng dẫn, tưởng rằng sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho người dân nhưng đến nay đã hơn nửa năm, hồ sơ của người dân vẫn… chưa thông.

“Treo” sổ hồng vì nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng

Tháng 9-2019, sau khi xây xong nhà tại 55/31/21 Thành Mỹ, phường 8, quận Tân Bình, ông Phan Thanh Vũ đã nộp hồ sơ tại chi nhánh VPĐKĐĐ quận để làm thủ tục đăng ký cập nhật tài sản trên đất. Tuy nhiên, hồ sơ của ông không được giải quyết do xây nhỏ hơn diện tích trong GPXD 10 m2.

Sau các bài viết của báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhiều trường hợp tương tự ông Vũ, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn cơ quan cấp giấy giải quyết cho dân. Hay tin, ông Vũ vui mừng mang hồ sơ đi làm thủ tục cập nhật. Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình hẹn ngày 6-4 đến nhận kết quả nhưng đến nay hồ sơ này vẫn chưa được giải quyết. Lý do là không đúng với GPXD được cấp.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Thịnh tại 127/21A Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình cũng tương tự. Cuối năm 2019, ông Thịnh xây nhà xong thì đầu năm 2020 đi làm thủ tục thay đổi tài sản gắn liền trên đất.

Trong GPXD, căn nhà của ông Thịnh được cấp phép sáu tầng, diện tích xây dựng là 51,08 m2, tổng diện tích sàn hơn 284 m2. Thực tế sau khi đo vẽ xong, diện tích xây dựng nhà ông Thịnh là 51,07 m2, tổng diện tích sàn hơn 270 m2. So với GPXD thì ngôi nhà xây nhỏ hơn giấy phép 0,1 m2, tổng diện tích sàn nhỏ hơn giấy phép là 14 m2. Đó cũng chính là lý do hồ sơ của ông “treo” suốt chín tháng nay.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Thịnh tại 127/21A Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình  chưa thể cập nhật được tài sản trên đất lên giấy chứng nhận. Ảnh: VIỆT HOA

Có hướng dẫn nhưng không thể thực hiện

Theo thống kê của VPĐKĐĐ quận Tân Bình, từ năm 2019 đến nay, cơ quan này có hơn 300 hồ sơ thực hiện thủ tục bổ sung tài sản gắn liền với đất và đăng ký thay đổi tài sản với đất có nhà thực tế nhỏ hơn GPXD.

Theo công văn hướng dẫn của Sở Xây dựng, những trường hợp này được cấp sổ hồng với điều kiện: “Việc nhà xây nhỏ hơn diện tích trong GPXD không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc theo GPXD được cấp, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình, không thuộc trường hợp điều chỉnh GPXD theo quy định”.

Căn cứ vào hướng dẫn này, tháng 4-2020, VPĐKĐĐ quận Tân Bình đã có văn bản gửi Phòng Quản lý đô thị cùng với 80 hồ sơ tương tự, đề nghị có ý kiến các trường hợp này có thuộc diện điều chỉnh GPXD hay không.

Ngày 3-5, Phòng Quản lý đô thị quận có văn bản khẳng định các trường hợp trên không phải điều chỉnh GPXD do đã xây dựng xong. Đồng thời, phòng chuyển 80 hồ sơ đến Tổ công tác 18 (do UBND quận Tân Bình thành lập) để tham mưu UBND trả lời cho chi nhánh VPĐKĐĐ.

Ngày 10-7, UBND quận Tân Bình đã có văn bản phản hồi với chi nhánh VPĐKĐĐ những trường hợp xây dựng mới nhà ở riêng lẻ hoặc công trình sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ, ngoài khu vực quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, có diện tích nhỏ hơn GPXD thì không thuộc trường hợp điều chỉnh GPXD. Đồng thời đề nghị VPĐKĐĐ nhận lại hồ sơ, liên hệ Sở Xây dựng đề nghị hướng dẫn.

Mỏi mòn chờ hướng dẫn mới

Không chỉ riêng quận Tân Bình, qua trao đổi với tất cả chi nhánh VPĐKĐĐ, chúng tôi nhận thấy các quận, huyện đều đang ách tắc với loại hồ sơ này.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 7, trong công văn hướng dẫn của Sở Xây dựng thì một trong những điều kiện để không điều chỉnh GPXD là không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình. “Tuy nhiên, VPĐKĐĐ không có thẩm quyền và chức năng giám định chất lượng công trình. Vì vậy, có văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng nhưng vẫn không thực hiện được” - ông Út nói.

Theo Sở TN&MT, sau khi Sở Xây dựng có công văn hướng dẫn nêu trên, Sở TN&MT cũng nhận được rất nhiều hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và công trình không phải nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có cơ sở để giải quyết.

Ngày 27-4, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, đã ký văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị hướng dẫn. Trong văn bản giám đốc Sở TN&MT nêu: Việc xác định nội dung không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc theo GPXD, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình, không thuộc trường hợp điều chỉnh GPXD theo quy định là không thuộc thẩm quyền, chức năng của các chi nhánh VPĐKĐĐ.

“Để việc phối hợp giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và công trình không thuộc nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp này được thống nhất và đảm bảo đúng quy định, đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng phải có văn bản xác nhận các nội dung nêu trên” - giám đốc Sở TN&MT nêu trong văn bản.

Văn bản Sở TN&MT gửi Sở Xây dựng từ tháng 4 nhưng đến nay sở này vẫn chưa phản hồi.

Mỗi nơi làm một kiểu

Sở TN&MT cũng thông tin hiện nay các chi nhánh VPĐKĐĐ ở các quận, huyện đang có cách giải quyết mỗi nơi một kiểu, không thống nhất. Chẳng hạn, các quận 1, 4 thì UBND quận sẽ có ý kiến cụ thể từng trường hợp.

Các quận khác sẽ có thông báo hoặc công văn giao cho Phòng Quản lý đô thị hoặc đội thanh tra địa bàn có ý kiến. Đơn cử như quận 9 giao Phòng Quản lý đô thị có ý kiến bằng văn bản, trong khi đó quận Bình Tân lại giao đội thanh tra địa bàn có ý kiến bằng công văn hoặc biên bản kiểm tra.

Quận Tân Bình thì thành lập tổ công tác, có ý kiến bằng văn bản, thông qua sự chấp thuận của UBND quận. Tuy nhiên, qua trao đổi với PV, các chi nhánh VPĐKĐĐ cho biết kể cả có ý kiến bằng văn bản của các đơn vị nêu trên cũng không dám cấp giấy. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

(PLO)- Luôn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, bất động sản càng cho thấy sức hút khi lãi suất tiết kiệm liên tục rơi tự do, thiết lập nhiều “đáy” mới. Để đón sóng, một số chủ đầu tư lớn đã nhanh chóng tung ra các chính sách hỗ trợ đột phá.

Nhu cầu thuê chung cư vẫn trong xu hướng tăng trong khi nguồn cung sẵn có thiếu hụt. Ảnh minh họa: TIỂU MINH

Mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng 2 chữ số

(PLO)- Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết giá căn hộ liên tục tăng trong những năm qua, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản.

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

(PLO)- Giữa bối cảnh giá thuê nhà liên tục tăng cao, nhiều người trẻ đã linh hoạt tận dụng ưu đãi thanh toán tốt chưa từng có từ chủ đầu tư để mua nhà. Việc hoán đổi chi phí thuê nhà vào dòng tiền trả góp được xem là bài toán thông minh của người trẻ khi vừa thoát cảnh thuê trọ vừa sớm có nhà riêng.

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

(PLO)- Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhiều nhà đầu tư sành sỏi tiếp tục đặt niềm tin vào dòng sản phẩm căn hộ hạng sang, đặc biệt là tại các dự án có vị trí kim cương ở vùng lõi trung tâm với kỳ vọng sớm gia tăng giá trị bất động sản, đồng thời thu về lợi nhuận bền vững từ việc cho thuê đều đặn.