Đồn đoán công ty địa ốc thưởng Tết ‘khủng’ để PR

Trong năm 2017, địa ốc thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia với hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này được thành lập mới, tăng trưởng tới hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước Tết Mậu Tuất, thông tin nhiều DN bất động sản (BĐS) hứa hẹn mức thưởng cao ngất cho nhân viên, lãnh đạo khiến nhiều người trầm trồ, cho rằng ngành kinh doanh này “bội thu” trong năm 2018. Thực hư thế nào?

Người ồn ào, kẻ lặng im

Năm ngoái, Tập đoàn C. công bố thưởng Tết cho những nhân viên xuất sắc 11 ô tô hạng sang, trị giá mỗi chiếc 1-2 tỉ đồng. Còn năm nay, thông tin với báo chí, lãnh đạo tập đoàn này cho biết sẽ chi hàng chục tỉ đồng để thưởng Tết bằng cổ phiếu cho nhân viên. Những cán bộ xuất sắc của tập đoàn sẽ được thưởng hơn chục chiếc ô tô như Mazda CX5, Honda CRV, Toyota Altis, Ford Everest, Camry…

Một tập đoàn BĐS khác cũng treo thưởng nhiều phần quà giá trị lớn cho nhân viên có nhiều đóng góp và đạt kết quả kinh doanh tốt. Cụ thể, lãnh đạo xuất sắc toàn hệ thống sẽ được thưởng một chiếc ô tô Mercedes trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Những nhân viên kinh doanh có kết quả tốt sẽ được công ty thưởng một chuyến du lịch châu Âu hoặc một chuyến du lịch Singapore...

Năm 2016, dù có nhiều dự án bất động, Công ty Địa ốc T. vẫn công bố thưởng Tết hơn 800 triệu đồng/người cho ba nhân viên xuất sắc, bao gồm ba chiếc Honda City, tiền mặt và nhiều quà tặng khác. Và năm nay, tập đoàn này vẫn công bố thưởng ô tô, tiền mặt, kỳ nghỉ mát… cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. 

Trong khi đó, nhiều DN lớn khác của ngành BĐS lại không thích “ồn ào”. Như Tập đoàn Hòa Bình, dù năm 2017 là một năm thành công, lợi nhuận tăng gấp đôi năm ngoái nhưng mức thưởng Tết được tiết lộ cũng không khác mọi năm là thưởng thêm một tháng lương.

Đại diện TNR Holdings, Phúc Khang Group cũng cho biết mức thưởng Tết căn cứ vào đánh giá xếp loại hoặc doanh số định mức của nhân viên đó, phần lớn mức thưởng nhân viên được hưởng là thêm một tháng thu nhập, nhân viên nào có thành tích tốt thì 2-3 tháng thu nhập.

Người mua nhà giờ đủ khôn ngoan để thu thập thông tin, pháp lý nên doanh nghiệp khó lòe họ bằng chiêu trò PR. Ảnh minh họa: Q.HUY

Thực tế ra sao?

 Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã gặp một số nhân viên kinh doanh giỏi hoặc cán bộ quản lý ở các DN được tiếng thưởng Tết “sộp”. Anh Tuấn Kiệt, nhân viên một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM, cho biết nhiều DN BĐS thông báo thưởng Tết lớn là để PR, đánh bóng tên tuổi khiến khách hàng nghĩ công ty đang tăng trưởng tốt. Theo anh Kiệt, nhân viên và cán bộ quản lý khối kinh doanh BĐS chủ yếu “sống” nhờ vào hoa hồng được chia theo từng quý. Còn dịp Tết, doanh số cao thì được thưởng vài tháng lương là cao mà lương khối kinh doanh khá thấp nên rất khó có con số khủng.

Luật Lao động không quy định DN bắt buộc phải có thưởng Tết. Các khoản thưởng này nằm trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể ký giữa chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Do đó, tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh năm qua để các bên thương lượng và đưa mức thưởng cuối năm.

Phần thưởng Tết của nhân viên dù bằng tiền mặt, cổ phiếu hay hiện vật đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế. Còn khoản chi thưởng của DN nếu không ghi rõ trong thỏa ước lao động tập thể hoặc hợp đồng lao động thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN. Khoản mua ô tô, căn hộ… để thưởng nhân viên, lãnh đạo thì DN đều phải chịu thuế thu nhập DN.

Luật sư TRẦN XOA,
Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang 

Ông Nguyễn Minh, Giám đốc một công ty BĐS, cho hay năm ngoái có trường hợp công ty công bố thưởng Tết bằng ô tô. Thực tế ô tô đó được cấp cho lãnh đạo sử dụng đi lại, phục vụ công việc còn vẫn thuộc sở hữu của công ty. Thưởng bằng căn hộ tiền tỉ thì người nhận thưởng thường là các sếp lớn, cổ đông lớn của công ty hoặc… người nhà của sếp. Còn cấp quản lý nếu được thưởng căn hộ tiền tỉ thường kèm với điều kiện như năm tới phải đạt doanh số cao ngất ngưởng, phần lớn khó đạt được.

Theo ông Minh, thưởng Tết tốt giúp khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên, lãnh đạo, quản lý, thể hiện trách nhiệm của công ty chăm lo cho người lao động và cũng gia tăng uy tín, thương hiệu cho DN. Có DN BĐS lợi nhuận tăng nên thưởng cho nhân viên những phần thưởng giá trị lớn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều DN BĐS dự án chậm tiến độ, để xảy ra tranh chấp, nợ lương, hoa hồng của nhân viên, không có dự án nào mới… nhưng vẫn công bố thưởng to với mục đích tranh thủ PR, đánh bóng tên tuổi dịp cuối năm.

“Nếu làm lố quá thì đây sẽ là con dao hai lưỡi làm mất lòng tin, gây bức xúc cho người lao động và khách hàng. Người mua nhà giờ đủ khôn ngoan để thu thập thông tin, pháp lý nên DN khó lòe họ bằng chiêu trò PR” - ông Minh chia sẻ.

Ngành bất động sản sẽ “phất” lên trong năm 2018

Năm 2017, thị trường BĐS chững lại, không có nhiều dự án mới, những tranh chấp trong chung cư gia tăng. Thế nhưng nhìn chung thị trường vẫn phát triển ổn định, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm BĐS vẫn tăng mạnh đối với những phân khúc đáp ứng nhu cầu đa số người mua nhà.

Năm 2018, dự báo thị trường BĐS sẽ có nhiều khởi sắc có lợi cho DN ngành này như dòng vốn đầu tư nước ngoài, lượng kiều hối vẫn tiếp tục đổ vào BĐS. Nhu cầu mua nhà phân khúc trên dưới 1 tỉ đồng/căn còn rất lớn. Hoạt động mua bán, sáp nhập dự án sẽ sôi động hơn. DN nhà nước sẽ sử dụng các công cụ về thuế,công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, công cụhành chính để điều chỉnh thị trường BĐS nhằm mục tiêu phát triển thị trường BĐS lành mạnh và bền vững.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU,
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm