Đồng Nai sẽ mạnh tay loại bỏ dự án treo

Mới đây thanh tra Chính phủ có kết luận về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng, công trình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cạnh những kết quả đạt được, kết luận thanh tra chỉ rõ hạn chế và thiếu sót trong công tác quản lý sử dụng đất và tình hình triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, với số tiền sai phạm được xác định là hơn 335 tỉ đồng. Số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến cuối năm 2018 cần được đôn đốc thu nộp Ngân sách là hơn 153 tỉ đồng.

Để xảy ra nhiều sai phạm đất đai

Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm, thiếu sót như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai và các đơn vị hành chính cấp huyện chậm được phê duyệt, có ba khu công nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng chưa được thành lập; một số dự án đầu tư chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, không triển khai đầu tư, triển khai đầu tư không đúng tiến độ....

Thanh tra Chính phủ xác định, UBND tỉnh Đồng Nai giao đất với thời hạn sử dụng lâu dài tại một số dự án đầu tư không đúng quy định.

Quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất đã giao và cấp GCN QSDĐ cho chủ đầu tư Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) và giao đất công cộng có mục đích kinh doanh tại dự án Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ thị trấn Long Thành không đúng.

Mô hình dự án khu chợ và dân cư Dân Xuân mà trong kết luận thanh tra có đề cập.

UBND tỉnh Đồng Nai còn giao đất, cho thuê đất trồng lúa để nhà đầu tư thực hiện dự án nhưng trong quyết định không thể hiện cụ thể đất chuyên trồng lúa, dẫn đến gặp khó khăn trong việc xác định để thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa.

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác để thực hiện 16 dự án đầu tư khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế hoặc chưa nộp tiền trồng rừng thay thế là chưa đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trong việc áp dụng phương pháp xác định giá đất và phê duyệt đơn giá đất cụ thể đối với bảy dự án đầu tư ở huyện Long Thành, Thống Nhất, Biên Hòa, Trảng Bom chưa đúng quy định pháp luật.

Kết luận của Thanh tra xác định trách nhiệm đối với các hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và các Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng; còn có trách nhiệm của các đơn vị Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Tài Chính, NN-PTNT và Cục thuế

Loại dự án treo khỏi quy hoạch

Theo kết luận thanh tra, tỉnh Đồng Nai còn một số tồn tại, hạn chế về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Cụ thể như: Công tác thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa chặt chẽ, dẫn đến một số công trình, dự án phải hủy bỏ, hoặc chậm triển khai thực hiện…

Để khắc phục chuyện này, tỉnh Đồng Nai khẳng định trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 sắp được phê duyệt, sẽ có thêm hơn 250 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch vì kéo dài nhiều năm. Theo đó, các đơn vị, sở ngành phải có dự báo xa, sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, dự án sẽ được thực hiện nhanh.

Tỉnh Đồng Nai sẽ xử lý nghiêm các địa phương, sở ngành để xảy ra nhiều trường hợp quy hoạch không đồng bộ, gây khó cho các dự án, không triển khai được. Ngược lại, các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên rà soát các công trình, dự án còn “đắp chiếu”, rồi đề xuất hướng xử lý hoặc thu hồi ngay.

Điển hình như Dự án khu chợ và dân cư Dân Xuân tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn trạch do công ty Cổ phần Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, với diện tích hơn 183.000m2, thời gian hoạt động dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự án 6 năm (từ 2010 - 2016).

Tuy nhiên đến nay, công ty này vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong, chưa triển khai xây dựng dự án.  Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch – Đầu tư rà soát hồ sơ của dự án này để xử lý dứt điểm.  

Ngoài ra, những dự án chậm triển khai tại Nhơn Trạch hơn 10 năm chưa thực hiện có thể kể đến như: Khu dân cư thương mại đô thị mới tại xã Long Tân, Phú Hội của Công ty TNHH Địa ốc Chợ Lớn (Cho Lon RES) từ năm 2003; Khu dân cư xã Phú Hội do Công ty TNHH La Mã làm chủ đầu tư từ năm 2009; Khu dân cư ở xã Long Tân và Phú Hội của CTCP Tập đoàn Đại Viễn Dương từ năm 2010...

Mới đây, UBND huyện Nhơn Trạch đã đề xuất tỉnh thu hồi 12 dự án kéo dài 11 - 18 năm chưa triển khai.

TP. Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom cũng là “điểm nóng” về các dự án chậm tiến độ như: Khu dân cư biệt thự Long An ở xã Long An; Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại xã Bàu Cạn; Khu đô thị Bình Sơn.

Năm 2021, tỉnh Đồng Nai đã hủy 170 dự án với diện tích gần 870 ha. Địa phương có nhiều dự án bị hủy kế hoạch sử dụng đất là TP Biên Hòa với 35 dự án, Long Thành 21 dự án, Xuân Lộc 19 dự án, Định Quán 17 dự án, Vĩnh Cửu 17 dự án, Long Khánh 11 dự án. 

Yêu cầu rà soát lại quy hoạch sử dụng đất

Ngoài ra, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt cho các huyện, TP Biên Hòa, TP Long Khánh thì Đồng Nai có 1.900 dự án với diện tích khoảng 26.000 ha. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có khoảng 230 dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã yêu cầu Sở TN-MT và các địa phương rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, các dự án trên địa bàn tỉnh nếu có vướng mắc, khó khăn thì đề xuất tháo gỡ kịp thời để việc sử dụng đất hiệu quả, các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm