Giá căn hộ hạng sang đua nhau nhảy múa

Bất chấp dịch bệnh COVID-19, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP.HCM trong năm 2020 vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, những căn hộ chỉ dành cho giới nhà giàu càng được quảng bá rầm rộ hơn với giá bỏng tay. 
Căn hộ tự tin rao giá triệu đô
Căn hộ có giá siêu đắt tại TP.HCM phải nhắc đến là dự án khu văn phòng thương mại, dịch vụ, căn hộ ở, khách sạn Spirit of Saigon nằm đối diện chợ Bến Thành, quận 1. Giới kinh doanh bất động sản (BĐS) cho biết dự án dự kiến sẽ mở bán trong năm 2021 với giá bán đắt đỏ bậc nhất TP, ước tính khoảng 20.000-25.000 USD/m2 (tương đương khoảng 460-570 triệu đồng/m2).
Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2 có thể nói là nơi hội tụ của những dự án căn hộ cao cấp nhất nhì Sài thành. Như dự án The River Thu Thiem với 525 căn hộ hạng sang tọa lạc tại vành đai 1, vị trí rất đắc địa. Được quảng cáo có hướng nhìn trực diện ra công viên và sông Sài Gòn với gần 100 m mặt tiền sông và gần 4 ha công viên cảnh quan. Dĩ nhiên, giá cũng tương xứng ở mức 4.000-6.000 USD/m2 (tương đương khoảng 92-138 triệu đồng/m2). Ngoài ra, khu vực này còn dự án The Metropole Thủ Thiêm có giá bán lên đến 6.000-7.000 USD/m2; dự án Empire City có giá cao nhất lên tới 12.000-14.000 USD/m2… 
Dù không sở hữu vị trí trung tâm TP nhưng một số dự án vẫn được môi giới chào mời với giá đắt đỏ. Như dự án King Crown Infinity nằm ở quận Thủ Đức cũng có mức giá lên tới 4.000 USD/m2 (tương đương hơn 92 triệu đồng/m2). Mức giá này ngang ngửa với một dự án cao cấp tại trung tâm quận 1, quận 2. Trong khi đó, mặt bằng giá căn hộ có vị trí đẹp ở khu vực xung quanh cũng chỉ khoảng 45-50 triệu đồng/m2
Không chỉ tại TP.HCM, thị trường Hà Nội cũng nóng lên vào thời điểm cuối năm khi xuất hiện nhiều sản phẩm siêu đắt đỏ. Một số dự án có giá bán lên đến vài triệu USD/m2 được chủ đầu tư quảng cáo với thông tin gây sốc là “căn hộ không dành cho 99,9875% người Việt”. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu bạn không phải là triệu phú USD thì không nên nghĩ đến việc sở hữu căn hộ tại “cung điện đá” D’. Palais Louis.
Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường căn hộ cao cấp chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Các khu vực có vị trí sát sườn trung tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng mới như khu đông sẽ giúp thị trường BĐS nơi đây chắp cánh.

Nội thất bên trong một căn hộ hạng sang ở TP.HCM. Ảnh: MINH LONG

Đừng để mờ mắt vì quảng cáo 
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, thị trường đang có xu hướng các chủ đầu tư phát triển căn hộ cao cấp tự đưa ra mức giá bán rất cao. 
“Chủ đầu tư kỳ vọng tung sản phẩm ra thì khách hàng sẽ mua và họ tự tính luôn những rủi ro chi phí tài chính đưa vào trong chính sách bán hàng như chiết khấu, tiến độ thanh toán kéo dài… Thay vì chi phí tài chính là thêm 10% vào giá thành sản phẩm thì họ cộng luôn 30%-40%” - ông Quang chia sẻ. 
Vì thế, một số chủ đầu tư tự quảng cáo dự án cao cấp, tự “hét” giá mà không quan tâm đến mặt bằng giá thị trường khu vực xung quanh. Khách hàng khi đầu tư hay mua để ở không nên bị mờ mắt bởi những thông tin, hình ảnh hào nhoáng của dự án đưa ra mà cần xem xét kỹ càng về pháp lý, năng lực chủ đầu tư, vị trí, chất lượng, tiện ích dự án… 
Hiện Việt Nam còn thiếu các đơn vị độc lập đánh giá tiêu chí dự án BĐS cao cấp. Do đó, theo ông Quang, để xác định một dự án cao cấp thì có ba yếu tố để khách hàng căn cứ. Thứ nhất là vị trí đắc địa, ở trung tâm TP, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển. Thứ hai là chất lượng xây dựng phải thực sự cao cấp từ thiết kế tổng quan dự án đến căn hộ, nội thất, thang máy… Cuối cùng là mật độ xây dựng, số lượng căn hộ trên diện tích, số tầng dự án. Ví dụ, diện tích xây dựng chỉ 30%-40%, hoặc dự án đó 30 tầng nhưng số lượng căn hộ chỉ 100 căn. 
Đánh giá về xu hướng này, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết căn hộ vẫn thu hút nhà đầu tư là điều dễ hiểu. Thứ nhất là nguồn tiền để kinh doanh trong dân còn nhiều nên thay vì gửi ngân hàng thì họ đầu tư vào BĐS. Giai đoạn này thị trường cũng không có nhiều nguồn cung mới, ở góc độ tích cực trên thị trường phân khúc cao cấp thì đây chính là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở cao cấp để ở và đa dạng hóa nguồn đầu tư.

Nhu cầu đầu tư căn hộ cao cấp vẫn tăng

Savills Việt Nam nhận định sẽ có thêm hơn 143.700 căn hộ được cung cấp ra thị trường trong tương lai đến năm 2023. Trong đó phân khúc hạng sang chiếm 13%. Con số này phản ánh nhu cầu sở hữu và đầu tư căn hộ cao cấp tương đối lớn của thị trường. Còn theo CBRE Việt Nam, tính đến hết quý III-2020, thị trường căn hộ cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm lĩnh thị trường, giá không giảm mà đi ngang hoặc tăng nhẹ. Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán phân khúc chung cư đã tăng 3%-5% so với quý trước. Tại TP.HCM, mức giá tăng mạnh 15%-20%. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.