Hạn chế lấp rạch Xuyên Tâm!

Sau khi Sở GTVT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dựa trên đề xuất của Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm (gọi tắt là nhà đầu tư), không ít cá nhân, đơn vị bày tỏ sự lo ngại.

Từ Xuyên Tâm thành đứt đoạn

“Ai cũng hình dung dự án sẽ cải tạo rạch Xuyên Tâm thành một dòng kênh xanh-sạch-đẹp, chạy dài từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến cửa sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp. Thế nhưng theo đề xuất của nhà đầu tư, con rạch này sẽ được cải tạo theo kiểu đứt đoạn, chỗ thì để hở, chỗ lại lấp rạch, đặt cống” - một cán bộ của Sở GTVT TP (từng tham gia khảo sát dự án) bày tỏ sự thất vọng.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, tuyến rạch cần cải tạo dài hơn 8,15 km, trong đó tuyến chính 6,21 km, tuyến nhánh 1,94 km và được chia thành ba đoạn chính. Đoạn một bắt đầu từ ngã ba rạch Long Vân (gần chùa Long Vân Tự) đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; đoạn hai từ ngã ba rạch Long Vân đến đường Lương Ngọc Quyến và đoạn ba từ Lương Ngọc Quyến đến cửa sông Vàm Thuật.

Tuyến rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Đồ họa: H.LOAN

Dù chia làm ba đoạn nhưng phương án cải tạo rạch cũng không đồng nhất theo một cách (lắp cống hay để hở) mà còn chia nhỏ thành nhiều nút (đoạn ngắn) với nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, nhiều nút ở đoạn một được đề xuất lắp cống hộp, chỉ một vài đoạn để mương hở. Đoạn hai và đoạn ba cũng tương tự, phần lớn được chỉnh trang theo cách lắp cống, làm đường bên trên, những đoạn để mương hở rất ít.

Sở GTVT TP cho biết nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 60 ha. Trong đó nhu cầu sử dụng đất cải tạo rạch, xây dựng hạ tầng hơn 2,5 ha. Tổng cộng có 1.620 căn nhà bị ảnh hưởng, số tiền ước tính để giải phóng mặt bằng hơn 1.000 tỉ đồng. Theo Sở GTVT TP, đề xuất của nhà đầu tư là khả thi, mục tiêu chính của dự án là giải quyết thoát nước, góp phần chỉnh trang đô thị khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Nên trả lại con rạch xanh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TP), cho biết không đồng tình với phương án cải tạo rạch Xuyên Tâm nói trên. “Dự án này được UBND TP phê duyệt từ năm 2009, ban đầu do Khu quản lý đường thủy nội địa làm chủ đầu tư. Phương án cải tạo rạch lúc đó là để hở toàn tuyến. Do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên dự án triển khai chậm, sau đó UBND TP chỉ đạo tạm dừng. Đến những năm gần đây dự án được khởi động lại. Tuy nhiên, cách cải tạo theo kiểu lắp cống nhiều, để hở ít, đứt đoạn như thế thì sẽ làm mất đi diện tích mặt nước, mất đi cảnh quan đẹp” - ông Mãnh phân tích.

Cũng theo ông Mãnh, từ năm 2007, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo hạn chế san lấp rạch. Theo đó, các dự án lấp rạch với diện tích lớn phải bố trí hồ điều tiết thay thế với diện tích hồ bằng 1,2 lần diện tích rạch bị lấp. “Theo tôi, nếu thực hiện theo phương án chủ yếu lấp rạch, đặt cống gần hết rạch Xuyên Tâm là đi ngược chủ trương bảo vệ diện tích mặt nước của TP” - ông Mãnh nhấn mạnh.

ThS Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng đề nghị TP cần bảo vệ diện tích mặt nước, không nên san lấp kênh rạch nhiều. “Tôi theo dõi dự án này nhiều năm và biết được khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng (chủ yếu do số tiền bồi thường khá lớn). Vì thế, TP cần tính toán, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện. Có thể nghiên cứu, giảm diện tích mặt đường lại để hạn chế diện tích lấp rạch” - ông Phi nói.

Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, việc tổng hợp ý kiến góp ý về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã gần xong. “Các ý kiến góp ý, phản biện về phương án đề xuất của nhà đầu tư sẽ được chúng tôi báo đầy đủ cho lãnh đạo UBND TP” - vị này nói.

5.106 tỉ đồng là tổng mức đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm theo đề xuất của Công ty CP Hà Nội Ngàn Năm. Nhà đầu tư sẽ thu hồi số tiền này bằng việc khai thác quỹ đất ven đường để xây chung cư, văn phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm