Hiểu sao về công khai dự án nhà ở thế chấp ngân hàng?

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT TP tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở mà chủ đầu tư (CĐT) đã thế chấp tại ngân hàng.

Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), cần khẳng định việc vay vốn của CĐT để triển khai dự án là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý là CĐT có sử dụng vốn vay đúng mục đích phục vụ công việc kinh doanh dự án hay không.

Tập trung rà soát các dự án có vi phạm

Cụ thể, chỉ đạo trên được nêu ra trong công văn mới nhất của UBND TP gửi các sở, ngành về triển khai thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS (tháng 9-2020) và báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM sau đó (tháng 12-2020).

Theo đó, tháng 9 năm ngoái, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn.

Đến tháng 12-2020, Sở Xây dựng TP.HCM cũng có báo cáo gửi UBND TP triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong báo cáo này, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã giao Thanh tra sở chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn. Đặc biệt là các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Thanh tra sở cũng tập trung kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề pháp lý, các dự án BĐS có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, các dự án chậm tiến độ, chưa nghiệm thu chất lượng công trình.

Việc thế chấp để vay vốn của chủ đầu tư để triển khai dự án là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Hiểu đúng về việc công khai dự án thế chấp

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, thì thế chấp dự án để vay vốn, triển khai dự án là một bước triển khai quan trọng tại hầu hết dự án BĐS. Vật thế chấp có thể là quyền sử dụng đất, có thể là toàn bộ hoặc một phần tài sản hình thành trong tương lai của dự án, tùy vào thời điểm vay và nhu cầu vay của CĐT.

“Đầu tiên, cần khẳng định việc vay vốn của CĐT để triển khai dự án là hoàn toàn bình thường. Quan trọng là CĐT có sử dụng vốn vay đúng mục đích không để dự án được triển khai đúng chất lượng, tiến độ đã cam kết với khách hàng mua nhà” - ông Việt phân tích.

Ông Việt cho rằng khi dự án thế chấp, vai trò của ngân hàng sẽ được phát huy. Vì khi đó ngân hàng có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn vay nhằm đảm bảo đồng vốn của họ được chi đúng mục đích và chắc chắn khả năng thu hồi vốn, lãi đúng hạn.

“Việc công khai thông tin CĐT, dự án nào thế chấp để vay vốn ngân hàng là tốt, giúp khách hàng có thêm thông tin đánh giá uy tín và năng lực của CĐT. Đồng thời nên công khai ngân hàng đứng ra cho vay hoặc bảo lãnh dự án” - ông Việt nói thêm.

Trên thực tế thì có nhiều CĐT chủ động thực hiện công khai các thông tin này vì họ cũng tin rằng đây là những sự hỗ trợ cần thiết và quan trọng đối với sự thành công của dự án.

Dưới góc độ một luật sư - chuyên gia theo dõi trong lĩnh vực BĐS, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết pháp luật về kinh doanh BĐS cho phép CĐT thế chấp dự án và điều này là hoàn toàn bình thường trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu CĐT cố tình giấu thông tin, không minh bạch, không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Người đã mua nhà tại các dự án đã đem thế chấp ngân hàng có khả năng đối diện với rủi ro khi CĐT vi phạm các quy định của pháp luật về thế chấp tài sản.

Nêu quan điểm, luật sư Cường cho rằng việc công bố thông tin là tích cực và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc này sẽ giúp người mua kiểm tra được tính khả thi và tính xác thực của mặt hàng định mua. Tuy nhiên, cũng có dự án đã thế chấp ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng mua bán với người mua nhà, CĐT không thông báo cho khách hàng biết, tức là một tài sản nhưng lại lấy tiền của hai bên (ngân hàng và khách hàng). “Đây là hành vi vi phạm pháp luật vì theo quy định, tài sản chỉ được bán cho bên mua khi đã được giải chấp ở các tổ chức tín dụng” - ông Cường nói.

Ở góc độ tích cực, việc CĐT có đăng ký thông tin thế chấp tại Sở TN&MT có thể giúp khách hàng yên tâm vì dự án đó chắc chắn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính pháp lý dự án đã được Nhà nước đảm bảo. Việc người mua có khả năng được cấp sổ hồng là khả thi.

Vừa qua, TP.HCM và Hà Nội đã công bố một số dự án đang thế chấp tại các ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần công bố thông tin một cách đầy đủ, minh bạch đối với tất cả dự án đã bị thế chấp hoặc đã được giải chấp, thể hiện sự bình đẳng, công bằng với tất cả doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần phải nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đang nhận thế chấp, giám sát để đảm bảo CĐT thế chấp vay tiền là để thực hiện chính dự án đó. 


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

Lãi suất tiết kiệm thấp 'chạm sàn', dòng tiền đầu tư chảy vào đâu?

(PLO)- Luôn được đánh giá là một trong những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất, bất động sản càng cho thấy sức hút khi lãi suất tiết kiệm liên tục rơi tự do, thiết lập nhiều “đáy” mới. Để đón sóng, một số chủ đầu tư lớn đã nhanh chóng tung ra các chính sách hỗ trợ đột phá.

Nhu cầu thuê chung cư vẫn trong xu hướng tăng trong khi nguồn cung sẵn có thiếu hụt. Ảnh minh họa: TIỂU MINH

Mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng 2 chữ số

(PLO)- Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết giá căn hộ liên tục tăng trong những năm qua, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản.

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

‘Đổi vận’ từ thuê trọ thành chủ căn hộ hạng sang nhờ biết tận dụng gói vay

(PLO)- Giữa bối cảnh giá thuê nhà liên tục tăng cao, nhiều người trẻ đã linh hoạt tận dụng ưu đãi thanh toán tốt chưa từng có từ chủ đầu tư để mua nhà. Việc hoán đổi chi phí thuê nhà vào dòng tiền trả góp được xem là bài toán thông minh của người trẻ khi vừa thoát cảnh thuê trọ vừa sớm có nhà riêng.

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

Lợi thế 'không thể sao chép' của dòng căn hộ hạng sang, vị trí lõi trung tâm

(PLO)- Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhiều nhà đầu tư sành sỏi tiếp tục đặt niềm tin vào dòng sản phẩm căn hộ hạng sang, đặc biệt là tại các dự án có vị trí kim cương ở vùng lõi trung tâm với kỳ vọng sớm gia tăng giá trị bất động sản, đồng thời thu về lợi nhuận bền vững từ việc cho thuê đều đặn.