Kịch bản bất động sản thời hậu dịch COVID-19

Tâm lý e ngại đầu tư, siết chặt chi tiêu của khách hàng là rào cản, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) phải có chiến lược, giải pháp tối ưu để khắc phục. Từ đó mới có thể mời gọi người mua đầu tư vào các sản phẩm của mình.

DN rục rịch lên kế hoạch bung hàng

Nhận định 2020 là một năm đầy khó khăn của BĐS, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asian Holding, cho rằng nếu không có vaccine thì dịch COVID-19 vẫn rất khó khống chế và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên thị trường.

Sau dịch, Asian Holding sẽ chuẩn bị bung hàng, chủ yếu là đất nền các vùng ven TP.HCM, chủ yếu tập trung những sản phẩm có pháp lý rõ ràng.

“Ảnh hưởng của dịch sẽ khiến thu nhập người dân giảm, họ sẽ tiết kiệm chi tiêu hoặc chọn đầu tư vào nhiều kênh khác ngoài BĐS. Nắm được tâm lý này nên công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm đất nền có giá dưới 1 tỉ đồng ở các tỉnh lân cận TP.HCM, phù hợp với số đông nhà đầu tư” - ông Hậu tiết lộ.

Trong khi đó, theo ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group, trong thời gian dịch bệnh, DN chủ yếu tập trung đào tạo nhân sự, giúp nhân viên tiếp cận những phương án kinh doanh mới. Đặc biệt, công ty đào tạo công nghệ cho nhân viên như làm YouTube, quay clip để quảng cáo sản phẩm, tư vấn cho khách hàng…

Ông Thiện dự đoán sắp tới áp lực cạnh tranh rất lớn vì tồn kho năm 2019 còn. Quý I-2020 không giao dịch được nên các chủ đầu tư đều mong muốn có thể bung hàng trong quý II. Trần Anh Group sẽ tập trung vào sản phẩm nhà phố vùng ven vì sản phẩm này vẫn được nhiều người dân quan tâm, tính pháp lý tốt hơn.

Nhận định tình hình thị trường hậu dịch, ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty DRH Holdings, cho rằng kế hoạch mở bán lại BĐS nhà ở tại TP.HCM của các DN gần như không thay đổi. Sau khi nới lỏng cách ly xã hội, các dự án sẽ trở lại mở bán, hoạt động bình thường. Các DN sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm bình dân, trung cấp nhiều hơn là sản phẩm cao cấp.

Các chủ đầu tư đều đang hy vọng có thể bung hàng trong quý II này. Ảnh: QUANG HUY

BĐS buộc phải chuyển hướng

Đưa ra dự báo của mình cho từng phân khúc, TS Sử Ngọc Khương, một chuyên gia BĐS, nói phân khúc sản phẩm nhà ở sẽ phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh. Việc nới lỏng cách ly xã hội, phục hồi các ngành sản xuất, kinh doanh sẽ là tín hiệu tốt cho phân khúc này vì thu nhập người dân sẽ ổn định trở lại.

Đối với BĐS thương mại, các trung tâm thương mại vẫn khó khăn vì khách hàng đi thuê mặt bằng sẽ dè chừng vì dịch bệnh vẫn khiến người dân ít giao dịch mua sắm.

Trong khi đó, BĐS du lịch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì việc hạn chế đường bay quốc tế khiến giảm sút lượng khách nước ngoài. Khách nội địa cũng sẽ ít vì thu nhập của phần đông người dân bị giảm. Hơn nữa mùa du lịch cao điểm là hè sẽ bị ảnh hưởng vì học sinh, sinh viên trở lại nhập học có thể sẽ không nghỉ hè. Về khối cao ốc văn phòng, TS Khương cho rằng việc mở cửa trở lại hoặc xây mới dự án cũng sẽ được cân nhắc rất kỹ.

Sắp tới, DN cần chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển BĐS xanh và thông minh, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, vừa túi tiền. Đồng thời tích cực tham gia các chương trình chỉnh trang nhà trên, ven kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ, tham gia đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông TP.

Ông LÊ HOÀNG CHÂUChủ tịch HoREA 

“Theo tôi, khi nào Chính phủ thông báo hết ca nhiễm bệnh, kiểm soát 100% thì lúc đó BĐS nhà ở mới thực sự hồi phục. Nếu không sẽ chẳng có thay đổi nhiều. Thời điểm này chỉ là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiền sẵn, nguồn lực tài chính dài hạn” - TS Khương phân tích.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, DN phải nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện với tâm thế mới, tầm nhìn mới để tái khởi động. DN phải thực hiện các đợt khuyến mãi lớn để tạo cú hích cho nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Các chủ đầu tư cũng nên hoãn thu tiền mua nhà, thuê nhà theo hợp đồng trong giai đoạn đại dịch hoành hành để tránh gây áp lực cho khách hàng; tăng cường liên lạc, chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, DN có thể giảm giá bán nhà, tặng voucher, tăng tỉ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay mua nhà và các khuyến mãi khác.

“Hậu dịch là lúc DN cần tập trung phát triển phương thức làm việc từ xa, tận dụng tối đa các thành tựu của khoa học, công nghệ số… trong cả thi công, quản lý dự án và kinh doanh” - ông Châu đề nghị.

Kịch bản nguồn cung vẫn phụ thuộc vào dịch

Báo cáo thị trường quý I-2020 của CBRE Việt Nam đưa ra các kịch bản về khả năng phục hồi đối với từng phân khúc BĐS. Trong đó, với thị trường căn hộ, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát trước tháng 6-2020, nguồn cung mới có thể đạt khoảng 28.000 căn, tăng 5% so với năm 2019. Giá chào bán trung bình tăng 5%.

Nếu dịch được kiểm soát hoàn toàn muộn nhất vào tháng 9-2020, nguồn cung mới sẽ giảm, chỉ đạt khoảng 15.000 căn, bằng 40% so với năm 2019, chào bán trung bình giảm 5%, số lượng căn tiêu thụ trên thị trường có thể giảm 55% so với năm 2019. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm