Lo gánh nặng với “chiêu độc” mua nhà 0 đồng

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư nắm bắt được tâm lý khách hàng cẩn trọng hơn với việc xuống tiền mua dự án nên đã tung “chiêu độc” quảng cáo mua nhà 0 đồng, mua nhà không cần vốn, nhà đổi nhà gây xôn xao thị trường bất động sản (BĐS).

Theo các chuyên gia BĐS, hình thức mua nhà thế chấp vay ngân hàng bằng nhà mới (nhà dự định mua) và tài sản đang có (nhà đang ở, sổ tiết kiệm, đất…) sẽ khiến khách hàng dễ rơi vào bẫy nợ, gánh nặng tài chính khi phải trả nợ dồn dập mỗi tháng.

Chạy quảng cáo chiêu độc

Nếu vào Google tìm kiếm “mua nhà 0 đồng”, “mua nhà không cần vốn”… khách hàng sẽ thấy hiện lên hàng loạt quảng cáo từ chủ đầu tư với những mỹ từ không thể bỏ qua.

“Khách hàng dễ dàng tham gia mua vì chủ đầu tư đưa ra chính sách cực kỳ thuận lợi cho người sở hữu. Chính sách siêu đặc biệt cho tất cả khách hàng. Chính sách mua nhà 0 đồng trên thị trường hiện có rất ít chủ đầu tư triển khai” - đây là lời giới thiệu bắt mắt của một dự án căn hộ tọa lạc tại quận 6, TP.HCM.

Tương tự, một dự án nhà ở cao cấp ở TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng tư vấn hình thức mới cho khách hàng là “Đổi nhà cũ lấy nhà mới”.  Hình thức này sẽ thanh toán theo tỉ lệ 30/70, thay vì thanh toán 30% vốn đối ứng bằng tiền mặt, khoản tiền này được thay thế bằng việc thế chấp các tài sản khác như BĐS, sổ tiết kiệm… mà người mua nhà đang sở hữu. Đồng thời, kết hợp với khoản hỗ trợ 70% của ngân hàng (vay thế chấp bằng chính căn hộ dự định mua) sẽ nâng mức hỗ trợ lên đến 100% với toàn bộ ưu đãi ân hạn gốc, miễn lãi, miễn phí trả nợ trước hạn.

“Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ phải thanh toán 0 đồng cho đến khi nhận nhà” - thông tin quảng cáo của dự án nêu. Dự án này cũng được mở bán nhiều phân khu vào tháng 8 này.

Nói một cách dễ hiểu hơn, ví dụ bạn có một căn nhà đang ở và muốn mua căn hộ mới thì bạn không cần có tiền để mua. Quy trình sẽ là thế chấp căn nhà đang ở để vay tiền, dùng tiền này trả trước 30% giá trị căn hộ muốn mua mới. Còn lại 70% giá trị căn hộ mới thì được ngân hàng hỗ trợ vay tiếp và trả góp trong nhiều năm (thế chấp bằng chính căn hộ mới này).

Trong trường hợp khách hàng không có nhà đang ở mà có đất, sổ tiết kiệm hay tài sản giá trị nào khác (của mình hoặc của người thân) để thế chấp thì quy trình cũng diễn ra tương tự.

Người mua nhà theo chương trình “mua nhà 0 đồng” cần cân nhắc kỹ bài toán trả nợ sau vay. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Theo các chuyên gia BĐS, cả chủ đầu tư và ngân hàng đều không phạm luật khi triển khai hình thức mua nhà 0 đồng hay nhà đổi nhà này. Tuy nhiên, người mua thì nên cân nhắc vì dễ rơi vào bẫy nợ tài chính cá nhân.

Lo lắng gánh nặng tài chính

“Mua bất cứ món hàng nào cũng vậy, chúng ta cần ý thức rõ là không có gì miễn phí. Ngay cả những thứ dùng thử miễn phí thì giá bán cũng cộng vào món hàng bạn sẽ mua dùng thật” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, lưu ý.

“Dĩ nhiên, nếu người mua bỏ ra 0 đồng mà có được nhà. Đem căn nhà ấy cho thuê lấy dòng tiền 15%-20% mỗi năm trả nợ vay thì đó là một ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, lãnh nợ vay để nhận lấy một xấp giấy (hợp đồng) thì tôi nghĩ là điều nên xem xét cẩn trọng” - ông Việt phân tích.

Ông Việt cũng cho rằng với hình thức mua này rủi ro là thấy rõ. Nếu không trả được nợ thì cả căn nhà đầu tiên cũng thuộc về ngân hàng. Mặt khác, người mua sẽ chịu gánh nặng tài chính rất lớn khi phải trả nợ thế chấp của hai tài sản cùng lúc.

“Tôi nghĩ rằng bên bán nên cân nhắc giá bán phù hợp túi tiền khách hàng mục tiêu để bán nhanh, thay vì neo một mức giá cao và nỗ lực tìm kiếm các ý tưởng huy động vốn mà đẩy toàn bộ rủi ro cho bên mua” - ông Việt chia sẻ.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng đây là phương thức mua bán nhà, kết hợp hoán đổi nhà và cả cho vay tín dụng có tài sản bảo đảm.

HoREA cũng lý giải cách này vừa giúp khách hàng không phải bỏ ngay một lúc khoản tiền mặt lớn để mua nhà mà vẫn có được căn nhà mới. Việc này vừa tác động, giúp phát triển thị trường BĐS thứ cấp, mua bán nhà cũ, vừa giúp tăng trưởng tín dụng có tài sản bảo đảm, gần như không có rủi ro.

Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý khách mua sẽ là người thua thiệt khi thanh lý tài sản đảm bảo là căn nhà cũ vì các ngân hàng chỉ đánh giá tài sản thế chấp bằng 60% giá trên thị trường. HoREA đã đề nghị các chủ đầu tư dự án khi thực hiện phương thức mua nhà 0 đồng phải đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thế giới đã có từ lâu

Theo thông tin được báo chí đăng tải, từ năm 1985, thị trường Singapore đã xuất hiện xu hướng “nhà đổi nhà”. Giai đoạn 1960-1985, căn hộ thuộc chương trình trên được bán trên cơ sở ai đến trước thì được phục vụ trước. Sau này, các hộ gia đình đã có nhà tìm cách nâng cấp hoặc đổi sang khu vực khác sang trọng và tiện nghi hơn. Từ đó, người sở hữu nhà do Chính phủ xây dựng được tận dụng chính căn hộ của họ để đổi sang nhà mới. Thay đổi môi trường sống mới với căn hộ ở vị trí tốt hơn và có nhiều tiện ích hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm