Cho người muốn mua nhà, xây nhà

Lưu ý khi góp vốn mua chung bất động sản

Nhiều người không đủ tiền để sở hữu riêng bất động sản (BĐS) nên họ chọn phương án góp vốn mua chung với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, hình thức góp vốn này cũng mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Theo ThS Ngô Gia Hoàng, Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, khi góp tiền mua BĐS chung, người mua chung có thể gặp nhiều rủi ro. Đơn cử như một trong những người tham gia góp vốn có thể không thực hiện góp vốn để thanh toán tiền mua BĐS đúng hạn, làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán chung.

Trường hợp nhóm người mua chung ủy quyền cho một người đứng ra thực hiện giao dịch nhưng không có văn bản, bằng chứng về việc góp tiền dễ dẫn đến tranh chấp hoặc người này chiếm đoạt tiền, BĐS mua chung. Những người mua chung BĐS có thể bất đồng trong việc định đoạt BĐS sau này.

Đối với BĐS là quyền sử dụng đất, nếu mỗi người muốn thực hiện quyền đối với tài sản này thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, việc tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu và các điều kiện theo quy định nên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi đứng sổ chung thì việc định đoạt cần có sự đồng ý của tất cả những người có chung quyền sử dụng đất. Hợp đồng giao dịch phải được tất cả thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định. Chỉ cần một người không đồng ý thì không thể chuyển nhượng.

Khi có người trong nhóm mua chung qua đời thì sẽ phát sinh thừa kế, làm gia tăng số người có quyền sở hữu chung đối với BĐS, làm phức tạp hơn việc định đoạt BĐS…

Để hạn chế những rủi ro trên, khi góp vốn mua chung BĐS cần lập văn bản, hợp đồng thỏa thuận rõ ràng về việc góp vốn. Nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ thông tin của các bên góp vốn, mục đích góp vốn, số tiền góp của mỗi người, cách thức phân chia lợi nhuận, thời gian góp vốn, phương thức góp, quyền của các bên đối với BĐS mua chung… Để đảm bảo, các bên có thể thỏa thuận công chứng/chứng thực hợp đồng, văn bản góp vốn.

Nên chia đều số tiền góp giữa những người cùng góp vốn để đảm bảo quyền ngang nhau khi quản lý, sử dụng và định đoạt BĐS. Cần lưu lại các bằng chứng về việc chuyển tiền trong quá trình góp vốn, phòng khi xảy ra tranh chấp.

Trường hợp các bên thống nhất ủy quyền cho một người trong nhóm đại diện đứng ra giao dịch, đứng tên trên giấy chứng nhận thì phải có văn bản thỏa thuận rõ về vấn đề này. Tuy nhiên, tốt nhất là những người mua chung nên cùng nhau ký hợp đồng mua BĐS và cùng đứng tên. Đồng thời, nên lựa chọn hùn vốn với những người thân, có quen biết và nắm rõ về tình trạng tài chính, sức khỏe của họ. Bên cạnh đó cần kiểm tra khả năng tách thửa đối với thửa đất góp mua chung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm