“Nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội không quá 1 triệu đồng/tháng”

Khu tái định cư Phường An Khánh, quận 2 - Ảnh: Huyền Châm.

Đề nghị trên của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) được đề cập trong văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ, lãnh đạo TP.HCM, các bộ ngành liên quan về việc tổ chức thực hiện chính sách nhà ở xã hội mới đây.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 do Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

HoREA nhận thấy nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở xã hội 05 năm (2016-2020) và hàng năm phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách Nhà nước.

Năm 2016 có thể coi là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014, do vậy, Hiệp hội thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Về chính sách tạo nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia nhà ở xã hội, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách nhà ở xã hội trên thực tế. Có thể áp dụng tương tự chính sách tạo nguồn vốn tín dụng và cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây.

Về điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thống nhất tổ chức thực hiện, Hiệp hội đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thứ hai, thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thứ ba, lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, để khuyến khích người tiêu dùng tham gia tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Về mức gửi tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với "Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn". Quy định này sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua nhà ở xã hội khác nhau.

Hơn nữa, trường hợp người gửi tiết kiệm chưa đến lượt được mua nhà ở xã hội (do cung không đáp ứng đủ nhu cầu) thì sẽ không xác định được "mức trả nợ hàng tháng" để gửi tiền tiết kiệm.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau.

Ngoài ra, quy định này còn có điểm bất hợp lý là mức gửi tiết kiệm hàng tháng cao, bên cạnh đó người vay còn phải trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu chưa phải trả nợ gốc, và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội, thì toàn bộ chi phí hàng tháng sẽ là gánh nặng cho người vay ưu đãi.

HoREA lấy ví dụ với khoản vay 600 triệu đồng, lãi suất 5%/năm trong 15 năm. Nếu "mức trả nợ hàng tháng" được ân hạn trong năm đầu chưa trả nợ gốc thì chỉ trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, và mức gửi tiết kiệm sẽ là khoảng 2,5 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Nếu "mức trả nợ hàng tháng" được tính bao gồm cả trả lãi và nợ gốc thì khoảng 5,8 triệu đồng (trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, trả nợ gốc khoảng 3,3 triệu đồng), nên mức gửi tiết kiệm sẽ lên đến khoảng 5,8 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 8,3 triệu đồng/tháng rất nặng cho người vay ưu đãi.

“Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay”, Hiệp hội đề nghị.

Về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 tại các ngân hàng  Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tương tự như tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 đối với các tổ chức tín dụng khác đã tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Về thời hạn cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và định kỳ hạn trả nợ, Hiệp hội đề nghị việc quy định thời hạn cho vay trong từng thời kỳ, và quy định ân hạn chưa phải trả nợ gốc cần được Ngân hàng Nhà nước quy định để thực hiện thống nhất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Về đặt cọc tiền thuê nhà ở xã hội, theo quy định tại khoản 6 điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì "Người thuê nhà ở xã hội có trách nhiệm nộp trước cho bên cho thuê nhà một khoản tiền đặt cọc theo thỏa thuận của hai bên, nhưng tối đa không vượt quá 12 tháng, tối thiểu không thấp hơn 03 tháng tiền thuê nhà ở để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người thuê nhà". Khoản tiền đặt cọc này quá nặng, cao gấp nhiều lần trong thực tế.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ quy định khoản tiền đặt cọc này chỉ bằng 01 đến 03 tháng tiền thuê nhà như thông lệ ngoài xã hội để giảm bớt gánh nặng cho người thuê nhà ở xã hội.

Theo Huyền Châm (Bizlive)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm