Ngắc ngoải vì “đu” theo giá đất ảo

Đó là một trong những nhận định của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra chiều nay 22-5 trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về thực trạng thị trường địa ốc tại TP.HCM trong năm 2018.

Mặc dù vẫn giữ quan điểm cho rằng không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng: Trong thời gian qua, đã xuất hiện các cơn sốt ảo giá đất, giá đất nền tại các xã ven dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP.HCM.

Thực tế, tại Bắc Vân Phong, ngoài khu vực thị trấn Vạn Giã đã hình thành cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ của thị trấn ven biển thì hầu hết những khu vực còn lại cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hầu hết phần đất là các khu vực làng xã Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Thạnh ,Vạn Phước, Vạn Khánh ,Vạn Bình, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng,… người dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Nhiều khu vực ở Bắc Vân Phong còn rất hoang sơ, chủ yếu là đất rừng, đất trồng cây lâu năm và đất khai hoang, dân cư thưa thớt.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau thông tin khu vực này được quy hoạch là đặc khu cùng với Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh) thì bỗng dưng giá đất tăng dựng đứng do hoạt động mua bán trao tay, "cò" đất thổi giá.

Chỉ trong vòng khoảng 5-6 tháng gần đây, giá đất ở Vân Phong bị "hét" cao gấp nhiều lần. Giá đất ở thị trấn Vạn Giã hiện đang được "cò" đất chào giá cao gấp hai lần so với cách đây hai tháng. Thậm chí môi giới nhà đất nơi đây cho biết mỗi ngày trôi qua, đất lại nhảy lên một giá.

Ngắc ngoải vì “đu” theo giá đất ảo ảnh 1
Nhiều khu đất khai hoang của người dân nằm sát biển cũng được đem ra bán

Tương tự, vài năm trở lại đây, trước thông tin sắp trở thành đặc khu, đất đai trên đảo Phú Quốc liên tục sốt giá. Hệ quả là tình trạng lấn chiếm đất công, phá rừng bán đất "chỉ", tình trạng tranh chấp đất đai... tăng đột biến khiến nhiều cơ quan chức năng ở Phú Quốc trở nên quá tải.

"Đây chỉ là những đợt sốt giá cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh lướt sóng kiếm lời" - ông Châu nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng thị trường hiện nay nếu xảy ra bong bóng, tăng giá đột biến chỉ là cục bộ ở một vài dự án nhỏ và sẽ sớm bị dập tắt.

“Còn tổng thể thị trường khó có thể xảy ra bong bóng vì thị trường hiện đang được kiểm soát khá tốt. Các nhà đầu tư đều có sự nghiên cứu, hoạt động chuyên nghiệp hơn hẳn, có đánh giá sâu sắc trước khi đầu tư” - ông Đính nói

Cũng theo HoREA, "thủ phạm chính" đẩy giá đất nền ở một số khu vực kể trên tăng đột biến là do giới đầu nậu và cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng gây ra các đợt sốt ảo giá đất, giá đất nền tại một số địa phương.

Đáng chú ý là đối với thị trường căn hộ chung cư là phân khúc thị trường lớn nhất của thị trường bất động sản, đã không xảy ra hiện tượng sốt giá, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã giảm giá bán căn hộ chung cư, nhất là các dự án căn hộ vừa túi tiền. 

Nhận định về nguy cơ xảy ra bong bóng đối với thị trường địa ốc trong năm 2018, ông Lê Hoàng Châu cho rằng điều này không có khả năng xảy ra do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm