Nguy cơ thị trường bất động sản tê liệt?

Tại buổi hội thảo"Sửa đổi Thông tư 36, thị trường bất động sản mất gì?"do báo Thanh Niên tổ chức sáng 15-3, hầu hết các chuyên gia đều đặt lo ngại về room tín dụng cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng thương mại hiện nay không còn nhiều. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản (BĐS) nếu thông tư này chính thức có hiệu lực.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hai điểm khiến thị trường BĐS lo lắng. Đó là tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40%, hệ số rủi ro tín dụng kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%.

Ông Đinh Duy Trinh, Giám đốc điều hành Công ty Bản Việt Land, cho rằng một dự án BĐS thường phải triển khai một thời gian dài có khi 5-10 năm, thậm chí dài hơn. Nhưng với việc sửa Thông tư 36 theo hướng hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS sẽ khiến nhiều dự án bị tê liệt.
"Nếu thị trường BĐS bị “hạ gục” sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực khác và thậm chí là cả nền kinh tế. Do đó, nên chăng chưa phải là lúc để sửa Thông tư 36 trong thời gian này" - ông Trinh nêu ý kiến.
Ông Phạm Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hưng Lộc Phát, cũng cho rằng việc sửa đổi Thông tư 36 có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn hai năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Đặc biệt là những dự án hiện nay đang lệ thuộc rất lớn vào dòng vốn của ngân hàng. Nếu sửa đổi như dự thảo thì chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), mà còn tác động đến các doanh nghiệp BĐS theo hướng có thể làm sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang.
Phía  Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn trong dự thảo trần 40% thì đã gần sát, do vậy nên tăng tỉ lệ này lên 50% đối với cả các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.
Về phía NHNN, trước khi đưa ra dự thảo này, NHNN cũng đã tính toán trên nhiều phương diện, khía cạnh và mức độ tác động đến ngân hàng cũng như thị trường BĐS. Việc nâng tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ là rủi ro rất lớn nếu trong trường hợp có những cú sốc lớn trong nền kinh tế.
Hơn nữa thông tư đang là dự thảo, nghĩa là cũng có lộ trình nhất định để góp ý và thực hiện. Việc sửa đổi sẽ góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng và hơn hết sẽ tác động lên sự ổn định của nền kinh tế. Ngoài ra cũng là để đảm bảo cho những khoản tiền gửi của doanh nghiệp BĐS trong ngân hàng cũng an toàn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm