Nhiều “ông lớn” bất động sản kêu chuyện nhà thu nhập thấp

Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có buổi làm việc với Hiệp hội bất động sản Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên. Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp bất động sản có cơ hội được kiến nghị thẳng những vấn đề đang gây bức xúc, khó khăn tới Bộ trưởng.

Hàng loạt vấn đề được các doanh nghiệp nêu ra, nổi bật hơn cả là các vấn đề xoay quanh việc phát triển nhà ở xã hội (NOXH) được nhiều doanh nghiệp kiến nghị.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân “kêu” rằng, dự án NOXH theo luật yêu cầu chủ đầu tư phải công bố giá trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra như giá thép tăng khiến doanh nghiệp rất khó. Do đó, ông Tuấn kiến nghị Bộ Xây dựng có biện pháp để nguồn cung, giá nguyên vật liệu cho dự án NOXH ổn định.

Nhiều kiến nghị xung quanh việc phát triển nhà ở xã hội được các doanh nghiệp gửi tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Minh Thư

Ngoài ra, theo ông Quân, vấn đề dự án NOXH được dành 20% cho phần thương mại. Hiện nay, luật yêu cầu nhà bán ra phải có bảo lãnh, 80% dự án là NOXH chúng tôi đã bán hết nhưng 20% phần thương mại còn lại khó bán vì ngân hàng không bảo lãnh 20% này, họ chỉ chấp nhận bảo lãnh cả dự án. Điều này thực sự gây khó cho doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến quỹ đất 20%, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP Invest cho rằng, quy đinh 20% đất của dự án để làm NOXH nhưng mâu thuẫn trong trường hợp dự án cắt 20% đất làm trường học, đề nghị cần có sự bổ sung giảm tải cho doanh nghiệp, những dự án nào có trường học nên bỏ quy định cắt 20% cho NOXH.

Còn Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung thì cho rằng, việc quy định 20% diện tích dự án phải làm NOXH, thì nếu dự án chỉ có 1 tòa chung cư 30 tầng tức là đã mất 6 tầng làm NOXH, như thế gây khó khăn trong bán hàng. Bà Dung kiến nghị nên áp dụng quy định này với từng địa phương khác nhau.

Liên quan đến vấn đề giá NOXH, ông Tạ Văn Tố, Tổng Giám đốc CEO Group chỉ ra bất cập trong việc 2 giá bán. Theo đó, hiện doanh nghiệp đang phải xây dựng giá tạm tính khi bán nhà và giá quyết toán sau khi thực hiện dự án xong để làm sổ đỏ cho người mua nhà. Cho rằng như thế là quá nhiều thủ tục nên ông Tố kiến nghị việc xác định giá bán chỉ làm một lần để làm cơ sở cho tất cả các thủ tục.

Ngoài các kiến nghị liên quan đến NOXH, các doanh nghiệp còn kiến nghị thêm một số vấn đề khác như, đại diện Tập đoàn FLC cho biết, thủ tục cấp phép xây dựng năm 2016 tốn nhiều thời gian hơn 2015. Năm 2015 chỉ mất 114 ngày nhưng đến 2016 thì phải mất 166 ngày. Nguyên nhân do Sở Tài nguyên Môi trường cải cách thủ tục, nên doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thủ tục này.

Ngoài ra, theo bà Dung, tại điều 56, khoản 1, Luật Kinh doanh BĐS 2014, về vấn đề bảo lãnh ngân hàng, đến thời điểm này vẫn còn vướng mắc. “Đối với những khách hàng thương lượng được, chúng tôi sẽ bảo lãnh cho từng sản phẩm khi khách hàng mua nhà. Nhưng với những khách hàng không thương lượng được, khách hàng yêu cầu phải được bảo lãnh trước khi mua nhà”, bà Dung nói.

Đồng thời, bà Dung cũng kiến nghị nên có thêm chính sách kích cầu mới cho thị trường sau gói 30.000 tỷ đồng kết thúc.

Trả lời những kiến nghị trên, ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Về quy định quỹ sàn 20% cho việc phát triển NOXH thì là vấn đề lớn, được Quốc hội bàn thảo kỹ lưỡng khi đưa vào Luật nên cần hiện nghiêm theo Luật.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, các bộ ngành để thống nhất diện tích 20% phát triển nhà ở xã hội trong các dự án", Thứ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Về vấn đề giá bán NOXH, xây dựng giá bán NOXH chỉ thực hiện 1 lần, vấn đề này luật đã quy định rõ và không thay đổi.

Liên quan đến thời gian cấp giấy phép xây dựng, Thứ trưởng cho hay, Nghị quyết 19 nêu rõ, thời gian từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công công trình, luật hiện nay quy định, thời gian cấp giấy phép xây dựng 30 ngày đối với dự án, 15 ngày đối với nhà riêng lẻ. Chúng tôi đã đề nghị rút ngắn thời gian này và cũng mở rộng thêm đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng, lồng ghép thủ tục vào nhau để rút ngắn thời gian…

Về gói hỗ trợ cho thị trường BĐS, ông Duy cho hay, chính sách đã có rồi, quy chế có rồi nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là gói mới nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng vẫn đang phải cân đối nguồn vốn.

Còn việc bảo lãnh giao dịch BĐS hình thành trong tương lai, trước câu hỏi bảo lãnh cả dự án hay bảo lãnh từng giao dịch hợp đồng, vị Thứ trưởng cho biết sẽ phối hợp với Ngân hàng để tháo gỡ.

Theo MINH THƯ (Infonet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm