Ôm nợ vì nhận nền tái định cư

Nhiều hộ dân ở các khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ (quận 9, TP.HCM) cho biết họ đang gặp khó: sau khi nhận đất tái định cư, được cấp phép xây nhà ở và đã trả 90% tiền đất tái định cư trong nhiều năm giờ họ bị chủ đầu tư dự án tái định cư (Công ty Dịch vụ Công ích quận 9) yêu cầu trả thêm hàng trăm triệu đồng.

Từ 40 triệu đồng nợ “hóa” thành 680 triệu

Hộ ông Nguyễn Văn Cương (bị thu hồi hơn 10.000 m2 đất) nhận hai nền đất tái định cư rộng gần 360 m2. Gia đình ông đã trả 90% tiền đất và chờ lấy giấy đỏ. Theo hợp đồng, ông chỉ nợ 40 triệu đồng nhưng tháng 12-2013, ông được thông báo còn nợ hơn 680 triệu đồng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Út cũng được bố trí hai nền đất rộng 240 m2 và trả xong tiền. Nhưng đến hẹn nhận giấy đỏ của một nền thì Công ty Công ích quận 9 yêu cầu trả thêm hơn 220 triệu đồng, là số tiền chênh lệch cho nền tái định cư thứ hai mới giao giấy. “Theo cách tính của chủ đầu tư thì tổng số tiền mà gia đình tôi phải đóng gần 400 triệu đồng, trong khi tiền bồi thường chỉ 430 triệu đồng. Số tiền mua đất tái định cư và bồi thường tương đương thì người dân còn đâu tiền để cất nhà, tạo dựng nơi ở mới?” - bà Út bức xúc.

Người dân còn phản ánh theo hợp đồng họ ký với Công ty Công ích trước đây thì số tiền phải trả cho diện tích chênh lệch (bằng 1,2 lần giá tái định cư) để bù đắp chi phí đầu tư. Trong đó, mức chênh lệch giữa giá tái định cư và giá bảo toàn vốn (không kinh doanh) ban đầu chỉ 240.000 đồng/m2, phù hợp với khả năng chi trả của họ. Nhưng không hiểu sao sau khi người dân đã nhận đất, trả tiền gần xong thì chủ đầu tư nâng giá bảo toàn vốn lên 5,6 triệu đồng/m2. Lúc này, mức chênh lệch giữa giá tái định cư và bảo toàn vốn lên gần 4,2 triệu đồng/m2 dẫn đến số tiền người dân phải trả cũng tăng hơn 17 lần so với trước.

Bà Trần Thị Thúy Liễu (phải) giật mình vì được yêu cầu đóng thêm gần 300 triệu đồng cho phần diện tích chênh lệch của nền đất tái định cư. Ảnh: VIỆT HOA

Tạm tính là sai sót

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, các dự án tái định cư trên gồm hai giai đoạn. Do vậy, phần chênh lệch về giá tái định cư và giá bảo toàn vốn cũng có sự khác nhau. Lúc đầu mức chênh lệch chỉ 240.000 đồng/m2 nhưng giai đoạn 2 lại lên tới gần 4,2 triệu đồng/m2 (do áp giá bảo toàn vốn mới) nên số tiền người dân đóng tăng thêm. Đây chỉ là giá tạm tính và khi dự án hoàn thành, có kiểm toán thì có giá chính thức.

Tuy nhiên, ông Thành nói quận 9 có nhận sai sót với UBND TP vì việc tự duyệt giá bảo toàn vốn tạm tính cho giai đoạn sau. Từ đó, quận cũng kiến nghị được giữ nguyên giá bảo tồn vốn. Nhưng đến nay UBND TP vẫn chưa có ý kiến về kiến nghị này.

Trước trả lời này, người dân vẫn không đồng tình vì cho rằng ở một dự án mà áp hai mức giá bảo toàn vốn là không hợp lý. “Ngoài ra, giá bảo toàn vốn của hai giai đoạn chênh nhau lớn, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ của chúng tôi tăng hơn 17 lần là bất hợp lý. Đã vậy, giá này vẫn chỉ là tạm tính nên nếu sau này áp giá chính thức còn cao hơn nữa thì người dân lãnh đủ sao? Giá cả phải được công khai từ đầu chứ không phải tự tính rồi ấn xuống và ép xuống mà không tính đến khả năng của người dân” - ông Nguyễn Văn Cương nói.

Ra “chiêu” tách nền tái định cư

Gia đình tôi bị thu hồi hơn 5.000 m2 đất và theo phương án tái định cư thì nhà tôi có nhiều thế hệ cùng sinh sống (trên bảy nhân khẩu) sẽ được hai nền tái định cư với diện tích có thể lớn hơn hạn mức đất ở (quận 9 là 200 m2).

Nhưng ban đầu quận chỉ cấp cho tôi một nền rộng 200 m2. Khi tôi khiếu nại thì quận cấp tổng cộng hai nền nhưng mỗi nền chỉ là… 100 m2. Nhiều hộ dân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Ngoài việc được Nhà nước bồi thường cho người dân nền đất ở tương đương diện tích thu hồi thì người dân còn được ưu đãi. Miễn sao tổng diện tích đất tái định cư không quá hai lần hạn mức đất ở. Nhưng việc chẻ đôi diện tích đã cấp như vậy thì còn gì ưu đãi nữa.

Ông TẠ CÔNG, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm